Phạt vi phạm chứng khoán: Phải làm từ gốc tới ngọn!

Các thành trên thị trường cho rằng, bên cạnh xử phạt cần phải xã hội hóa công tác giám sát, phát hiện các vi phạm hành chính về chứng khoán.
Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã có thông báo về việc tổ chức lấy ý kiến các thành viên thị trường về dự thảo Nghị định Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Dự thảo mới đã gây được sự chú ý của các thành viên trên thị trường bởi các mức độ xử phạt bằng tài chính đã được nâng lên khá cao.

Nâng tính răn đe


Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), quy định về xử phạt vi phạm hành chính lần này đã có nhiều đột phá, nâng cao tính răn đe bằng các mức xử phạt nặng tay.

Cụ thể trong dự thảo, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với tổ chức vi phạm là 2 tỷ đồng và đối với cá nhân là 1 tỷ đồng. Thêm vào đó, các đối tượng vi phạm còn bị phạt bổ sung, như đình chỉ có thời hạn hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề… đồng thời tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Ngoài ra, đối với các hành vi vi phạm quy định về tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán có những khoản thu trái pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 0,5 lần đến 2,5 lần khoản thu đó.

Trưởng đại diện của một công ty chứng khoán tại Hà Nội cho rằng, dự thảo lần này về cơ bản đã được cải tiến, tiến sát hơn với sự lớn mạnh của thị trường. Quy định thắt chặt giúp mọi hoạt động trên thị trường được đưa vào khuôn khổ, hành lang pháp lý trật tự hơn, qua đó giảm các giao dịch giả, hoạt động thao túng thị trường.

Tuy nhiên, vị trưởng đại diện trên còn e ngại, các hoạt động giao dịch bất hợp pháp đang diễn ra ngày càng tinh vi và mức độ vi phạm cũng rất lớn, với các mức xử phạt được quy định ở trên có thể ngăn chặn những “con cá nhỏ”, tuy nhiên với những “con cá lớn” thì cần đến có một hệ thống giám sát đồng bộ và chặt chẽ hơn.

Mở rộng xã hội hóa giám sát

Quan tâm đến công tác quản trị công ty tại các niêm yết, anh Lê Tường Văn, nhà đầu tư tại Hà Nội cho rằng các công cụ xử phạt vẫn còn yếu. Đối với các công ty đại chúng, vấn đề về quản trị công ty là quan trọng và cần thiết, để có thể đảm bảo quyền lợi của cổ đông. Song trong quy định mới, công ty đại chúng không xây dựng quy chế nội bộ về quản trị công ty chỉ bị phạt tiền 20 triệu đồng.

Trong trường hợp vi phạm nặng hơn, như Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành của công ty đại chúng vi phạm các quy định về ngăn ngừa xung đột lợi ích và giao dịch với các bên có quyền lợi liên quan đến công ty... cũng chỉ phải chịu mức phạt là 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với thành viên.

“Thời gian qua, thị trường đã chứng kiến các hành vi ‘nhờn’ luật trong hoạt động quản trị công ty khi các vi phạm về công bố thông tin vẫn diễn ra tràn lan,” anh Văn nói.

Một chuyên viên môi giới tại thành phố Hồ Chí Minh cho hay, đồng nghiệp của anh sau khi vi phạm những quy định trong hoạt động môi giới, nhưng khi nhận quyết định xử phạt và yêu cầu thu hồi chứng chỉ hành nghề, thì anh này đã rút lui khỏi thị trường và “biệt tăm” không đóng tiền phạt cho cơ quan quản lý.

Theo SSC, ngay trong tháng 1/2013, Ủy ban đã ban hành 16 quyết định xử phạt về vi phạm hành chính đối với 8 tổ chức và 8 cá nhân với số tiền lên gần 2 tỷ đồng. Trong đó có những vi phạm khá nghiêm trọng từ các tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ chứng khoán, góp phần tăng thêm những rủi ro tiềm ẩn trên thị trường đồng thời gây giảm lòng tin của giới đầu tư đối thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Hoàng Hải đề xuất, mạnh tay xử phạt trong các vi phạm hành chính là việc làm cần thiết song mới giải quyết được phần ngọn, phần gốc cần phải có những biện pháp cụ thể hơn. Như, các Sở giao dịch chứng khoán có thể xử dụng các biện pháp kỹ thuật “khóa” tài khoán của các cổ đông thuộc diện phải công bố thông tin, chỉ khi nào họ đăng ký giao dịch hệ thống mới cho phép thực hiện mua, bán trên thị trường.

“Thêm vào đó, cơ quan quản lý cần phải có những giải pháp cho phép xã hội hóa hoạt động giám sát trên thị trường, những tổ chức, cá nhân có công trong việc phát hiện ra các hành vi vi phạm hay bộ phận thanh tra của các cơ quan quan lý trên thị trường nên được trọng thưởng mức giá trị tương đối so với số tiền thu được từ hoạt động xử phạt,” ông Hải nói./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục