Thực hiện theo đúng Thông tư số 11 của Bộ Công an, từ ngày 15/4 tới đây, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ không dừng xe chỉ để kiểm tra xử lý lỗi xe lưu hành không chính chủ, không sang tên đổi chủ.
Tuy nhiên, cũng theo những quy định cụ thể của Thông tư này (điều 9), lực lượng Cảnh sát giao thông khi phát hiện xe bi phạm giao thông, kiểm tra, xử lý nếu xe đó bị phạm lỗi trên sẽ bị xử phạt nghiêm.
Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi nhanh với Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) về vấn đề này.
- Thưa Đại tá, mới đây Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị rút quy định xử phạt xe không chính chủ vì cho rằng không có tính khả thi, ông nghĩ sao về vấn đề này
Đại tá Đào Vịnh Thắng: Trước hết, tôi khẳng định, quy định về việc xử phạt các trường hợp vi phạm không sang tên đổi chủ đã có cơ sở pháp lý từ rất lâu trước đó. Điều này thể hiện rất rõ trong các Nghị định của Chính phủ về xử phạt hành vi mua bán không sang tên đổi chủ, gần đây nhất là Nghị định 71. Tôi cho rằng, mọi người tham gia giao thông đều phải chấp hành nghiêm Nghị định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông cũng đã thường xuyên tiến hành công tác hướng dẫn, tuyên truyền việc thực hiện nghĩa vụ của người tham gia giao thông đồng thời cũng công khai việc xử phạt đối với các trường hợp đã xác minh làm rõ các phương tiện không sang tên đổi chủ.
Việc xử phạt xe không chính chủ theo tôi sẽ có rất nhiều lợi ích như phục vụ cơ quan điều tra khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông, hỗ trợ thông tin trong các vụ án hình sự. Đối với Bộ GTVT, quy định này cũng sẽ phục vụ cho việc thu phí một cách chính xác.
Như vậy, có thể thấy việc xử phạt xe không chính chủ sẽ góp phần tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
[Xử phạt xe chính chủ: Lại chờ Chính phủ quyết?]
- Từ ngày 15/4 tới, việc xử phạt xe không chính chủ sẽ chính thức được thực hiện. Phòng Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội đã chuẩn bị như thế nào?
Đại tá Đào Vịnh Thắng: Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội sẽ thực hiện nghiêm túc Thông tư 11 của Bộ Công an cũng như các quy định hướng dẫn của Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt Việt Nam và chỉ đạo của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiếp tục nâng cao hơn nữa trình độ nghiệp vụ của các cán bộ chiến sỹ, tăng cường công tác hướng dẫn, nhắc nhở những người tham gia giao thông.
Đối với các trường hợp phương tiện lưu thông trên đường chấp hành tốt, lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội sẽ không dừng để kiểm tra mà chỉ tăng cường công tác hướng dẫn. Tuy nhiên, đối với các trường hợp vi phạm luật giao thông, Cảnh sát giao thông sẽ dừng xe để xử lý theo đúng quy định.
Phòng Cảnh sát giao thông sẽ thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự, nếu phát hiện người mua hoặc bán xe không làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe (mua, bán xe không sang tên) theo quy định tại Thông tư 11 của Bộ Công an thì phải xác minh, xác định rõ hành vi vi phạm về mua, bán xe không sang tên và sẽ xử phạt trường hợp quá thời gian 30 ngày kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán xe nhưng chưa làm thủ tục sang tên, di chuyển thay đổi đăng ký xe.
- Đối với các trường hợp tạm giữ xe, nếu phát hiện thêm lỗi phương tiện chưa sang tên đổi chủ, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ xử lý ra sao, thưa Đại tá?
Đại tá Đào Vịnh Thắng: Đối với các trường hợp này, ngoài việc phạt các hành vi vi phạm giao thông trước đó, người điểu khiển phương tiện sẽ bị phạt thêm lỗi chưa sang tên đổi chủ cho phương tiện.
Thưa đại tá, mức phạt áp dụng với những trường hợp này thế nào?
Đại tá Đào Vịnh Thắng: Mức mức xử lý cụ thể với những trường hợp vi phạm lỗi này là 8 triệu đồng với ôtô; 1 triệu đồng đối với môtô, xe máy.
Xin cảm ơn ông!