Phe đối lập Ai Cập và lộ trình "giai đoạn chuyển tiếp"

Phe đối lập chính trị và các lực lượng cách mạng Ai Cập đã thành lập Mặt trận 30/6 và công bố lộ trình "giai đoạn chuyển tiếp."
Phe đối lập chính trị và các lực lượng cách mạng Ai Cập ngày 27/6 đã thành lập Mặt trận 30/6 và công bố lộ trình "giai đoạn chuyển tiếp" trong trường hợp Tổng thống Mohamed Morsi từ chức.

Mặt trận 30/6 có nhiệm vụ điều phối và tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra vào cuối tuần này trong khuôn khổ chiến dịch Tamarod (Nổi dậy) đòi ông Morsi từ chức và tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn.

Mặt trận này bao gồm 10 ủy ban, phụ trách các mảng như truyền thông, liên lạc, hậu cần, pháp luật, nhật sự, khảo sát thực địa, các địa phương và các tổ chức công đoàn. Dự kiến, các thành viên của tổ chức này sẽ bầu ra Tổng thư ký và hai hoặc ba người phát ngôn để tiếp xúc với giới truyền thông.

Theo ông Mohamed Abdel Aziz - đồng sáng lập chiến dịch Tamarod thu hút hàng chục đảng phái và phong trào đối lập, Mặt trận 30/6 đại diện cho tất cả những người dân Ai Cập phản đối sự thống trị của tổ chức Anh em Hồi giáo và cùng chia sẻ nhãn quang chính trị nhằm tránh những sai lầm trong thời gian qua và tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng ngày 25/1/2011.

Ông Abdel Aziz cũng kêu gọi người dân tham gia cuộc biểu tình quy mô lớn chống Tổng thống và tổ chức Anh em Hồi giáo dự kiến diễn ra vào ngày 28/6 - cùng thời điểm với cuộc biểu dương lực lượng rầm rộ của phe Hồi giáo ủng hộ ông Morsi.

Trong khi đó, lộ trình chính trị "giai đoạn chuyển tiếp," trong trường hợp Tổng thống Morsi phải từ chức dưới sức ép của các cuộc biểu tình chống chính phủ sắp tới, bao gồm việc giải thể Hội đồng Shoura (Thượng viện Ai Cập) - cơ quan do phe Hồi giáo kiểm soát và nắm quyền lập pháp kể từ khi Quốc hội bị giải tán vào tháng 6/2012, đình chỉ Hiến pháp hiện nay và tiến hành soạn thảo Hiến pháp mới.

Cũng theo lộ trình này, một Thủ tướng độc lập sẽ được bầu chọn trong số các chính khách nổi bật để lãnh đạo chính phủ kỹ trị với nhiệm vụ triển khai kế hoạch kinh tế khẩn cấp nhằm giải cứu nền kinh tế của Ai Cập đang khủng hoảng và thực hiện các chính sách công bằng xã hội.

Nhân vật này sẽ không được ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên thời "hậu Morsi" và cuộc bầu cử quốc hội sắp tới. Người đứng đầu Tòa án Hiến pháp Tối cao sẽ được cử giữ chức Tổng thống tạm quyền trong khi Thủ tướng sẽ đảm trách tất cả các quyền hành pháp trong thời hạn sáu tháng, kết thúc bằng một cuộc bầu cử tổng thống và tiếp đó là cuộc bầu cử quốc hội. Hội đồng Quốc phòng sẽ đứng ra gánh vác an ninh cho đất nước.

Chính thức ra mắt vào ngày 1/5 vừa qua, chiến dịch Tamarod đặt mục tiêu thu thập 15 triệu chữ ký vào ngày 30/6 tới, vượt xa số lượng 13,2 triệu phiếu bầu mà ông Morsi giành được trong vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống tổ chức vào tháng Sáu năm ngoái, qua đó giành chiến thắng suýt soát trước đối thủ Ahmed Shafiq - thủ tướng cuối cùng của chế độ cũ. Theo các nhà tổ chức, chiến dịch này hiện đã đạt được mục tiêu đề ra.

Trong một diễn biến khác, đảng Watan, một đảng liên minh của tổ chức Anh em Hồi giáo, đã đề xuất sáng kiến hòa giải mới nhằm chấm dứt tình trạng phân cực hiện nay và giải quyết các vấn đề kinh tế nghiêm trọng của đất nước.

Sáng kiến này kêu gọi thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, một ủy ban đại diện cho các tầng lớp nhân dân để đảm bảo tính minh bạch của các cuộc bầu cử và các cơ quan khác nhằm sửa đổi Hiến pháp.

Sáng kiến này nhận được sự ủng hộ của chín chính đảng, trong đó chủ yếu là các đảng Hồi giáo như Đảng Tự do và Công lý - nhánh chính trị của tổ chức Anh em Hồi giáo và Đảng Xây dựng và Phát triển - nhánh chính trị của tổ chức Al-Gamaa Al-Islamiya có quan điểm cứng rắn, cùng 12 phong trào Hồi giáo khác.

Cùng ngày, phong trào Tập hợp thu hút nhiều nhân vật nổi tiếng như Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Luật sư Ai Cập Mohamed El Damaty và Chủ tịch Câu lạc bộ Thẩm phán Zakaria Abdel-Aziz cùng gia đình nạn nhân các vụ đụng độ bạo lực cho biết sẽ tổ chức các hoạt động kêu gọi sự đoàn kết của người dân trong nước.

Trong một thông cáo báo chí, phong trào này cảnh báo rằng Ai Cập hiện đang đứng bên bờ vực một cuộc chiến "nồi da xáo thịt"./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục