Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội.”
Đề án này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025” và chương trình số 03 của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”...
Ngoài các chỉ tiêu được xác định trong Chương trình số 03 của Thành ủy, Đề án này còn bổ sung một số chỉ tiêu: kinh tế khu vực đô thị đóng góp chủ yếu vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) toàn thành phố, đến năm 2025 là 85% và năm 2030 là 90%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.
[Phương châm 5 rõ trong chỉnh trang đô thị tại Hà Nội]
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, doanh số thương mại điện tử chiếm 10%, so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố, đến năm 2030 tăng 20%; tốc độ tăng trung bình hằng năm so với năm trước khoảng 20%; giá trị gia tăng dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15-20%; giá trị gia tăng ngành giáo dục-đào tạo tăng 20-25%; giá trị gia tăng dịch vụ y tế tăng 25-30%; giá trị gia tăng dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 20-25%.
Mặc dù khu vực đô thị chỉ chiếm trên 10% diện tích của cả thành phố, nhưng khu vực này ngày càng giữ vị trí, vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô thời gian qua và trong tương lai.
Kinh tế khu vực đô thị đã khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của thành phố.
Giai đoạn 2016-2020, thu ngân sách tại khu vực đô thị chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 78,8% so với toàn thành phố. Năm 2020, đóng góp khu vực đô thị là 79,92%. Các quận thuộc nhóm đầu về số thu ngân sách với số thu trên 10 nghìn tỷ đồng như: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Long Biên, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm...
Cũng trong giai đoạn này, khu vực 12 quận và thị xã Sơn Tây trung bình đóng góp khoảng 80% số doanh nghiệp và khoảng 90% vốn sản xuất, kinh doanh bình quân hằng năm của các doanh nghiệp. Trong ngành thương mại, dịch vụ, khu vực này đóng góp số cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ cá thể gần 50%.../.