Ngày 14-10/2019, Uỷ ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 4621/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển Khu công nghệ cao Đà Nẵng đến năm 2030.
Đề án nhằm định hướng và huy động hiệu quả các nguồn lực xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao Đà Nẵng gắn với Khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có tính cạnh tranh cao theo nhiệm vụ phát triển kinh tế, đã được giao tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-01-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Khu công nghệ cao Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 1979/QĐ-TTg ngày 28-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ, là một trong ba khu công nghệ cao đa chức năng cấp quốc gia.
Qua hơn 09 năm đầu tư xây dựng và phát triển, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành 85% khối lượng của giai đoạn 1, hoàn thành 70% khối lượng của giai đoạn 2, cung cấp hơn 350ha đất sạch cho nhà đầu tư với đầy đủ hạ tầng cơ bản phục vụ cho đầu tư sản xuất.
Tính đến nay, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút được 17 dự án, trong đó có 08 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 330,96 triệu USD (chiếm 58,8%) và 09 nhà đầu tư trong nước với tổng số vốn là 5.353,7 tỷ đồng, tương đương với 232,16 triệu USD (chiếm 41,2%).
Trong đó, nổi bật nhất là dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Mỹ (UAC) với tổng vốn đầu tư lên đến 170 triệu USD - một trong các dự án FDI lớn nhất tại Đà Nẵng.
Đề án xác định rõ quan điểm phát triển Khu công nghệ cao Đà Nẵng là cơ sở quan trọng để Nhà nước huy động tối đa nguồn lực trong nước và ngoài nước, thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung-Tây Nguyên; Đảm bảo sự phát triển đồng bộ các chức năng của Khu công nghệ cao.
Tập trung vào hai mũi nhọn: Sản xuất công nghệ cao và Nghiên cứu, phát triển, ươm tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đào tạo.
Từ đó, định hướng phát triển Khu công nghệ cao Đà Nẵng cần ưu tiên tiếp cận, theo sát xu hướng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để định hướng thu hút đầu tư, phát triển các lĩnh vực công nghệ cao phù hợp.
Sử dụng hiệu quả các nguồn lực, cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển dài hạn Khu công nghệ cao theo đúng định hướng trở thành một Khu công nghệ cao đa chức năng cấp quốc gia, tránh khỏi nguy cơ trở thành một Khu công nghiệp.
Về cơ chế, chính sách phát triển Khu công nghệ cao Đà Nẵng đến năm 2030, Đề án xác định cần triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Khu công nghệ cao Đà Nẵng theo quy định tại Nghị định số 04/2018/NĐ-CP ngày 04/01/2018 của Chính phủ.
[Hơn 1.000 tỷ đồng xây nhà xưởng phụ trợ công nghệ cao tại Đà Nẵng]
Tiếp tục đề xuất cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù phát triển Khu công nghệ cao Đà Nẵng trên cơ sở triển khai các nội dung Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-01-2019 của Bộ Chính trị.
Thực hiện chính sách thu hút đầu tư, phát triển khoa học-công nghệ, thu hút và phát triển nguồn nhân lực; cơ chế quản lý nhà nước tại Khu công nghệ cao
Qua đó, đề ra được các giải pháp, các chương trình, đề án ưu tiên phát triển Khu công nghệ cao Đà Nẵng đến năm 2030; phân công cụ thể các sở, ban ngành thành phố hỗ trợ, phối hợp với Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng trong quá trình triển khai thực hiện.
Đà Nẵng hiện là trung tâm về Công nghệ thông tin tại khu vực miền Trung, với trên 3800 doanh nghiệp, trong đó 93% các doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn thành phố hoạt động trong ngành phần mềm, nội dung số và dịch vụ Công nghệ thông tin với tổng doanh thu năm 2018 đạt trên 693 triệu USD.
Riêng mảng gia công phần mềm và dịch vụ có mức tăng trưởng rất cao, đạt 78 triệu USD, với mức tăng trưởng 25% năm 2018.
Thành phố cũng có 38 trường đại học và cao đẳng dạy nghề có đào tạo Công nghệ thông tin với số lượng tuyển sinh hàng năm là 3500 học viên./.