Phê duyệt Quy hoạch Hệ thống Cơ sở Xã hội Điều dưỡng Người có công

Quy hoạch nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống Cơ sở Xã hội Nuôi dưỡng, Điều dưỡng Người có công với Cách mạng gồm 70 cơ sở công lập với quy mô khoảng 7.400 giường.
Phê duyệt Quy hoạch Hệ thống Cơ sở Xã hội Điều dưỡng Người có công ảnh 1Chăm sóc sức khỏe hằng ngày thông qua các hoạt động massage bằng máy, điện xung bằng máy… cho người có công huyện Tràng Định điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 30/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 1007/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Hệ thống Cơ sở Xã hội Nuôi dưỡng, Điều dưỡng Người có công với Cách mạng thời kỳ 2021-2030, Tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 quy hoạch trên cơ sở hiện trạng, đảm bảo phát triển hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng phù hợp, đủ quy mô, năng lực, đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng, tạo thuận lợi để người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện về thể chất và tinh thần; là cơ sở để xây dựng lộ trình và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn trên địa bàn cả nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về ưu đãi người có công đảm bảo khách quan, khoa học, minh bạch và hiệu quả.

Về định hướng phát triển, Quy hoạch nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống Cơ sở Xã hội Nuôi dưỡng, Điều dưỡng Người có công với Cách mạng gồm 70 cơ sở công lập với quy mô khoảng 7.400 giường.

[Đẩy mạnh giám sát thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công]

Cụ thể, theo phân cấp quản lý, các Cơ sở Xã hội Nuôi dưỡng, Điều dưỡng Người có công với Cách mạng được chia thành: Cơ sở Xã hội Nuôi dưỡng, Điều dưỡng Người có công với Cách mạng do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý; Cơ sở Xã hội Nuôi dưỡng, Điều dưỡng Người có công với Cách mạng do cấp tỉnh quản lý.

Theo mô hình hoạt động, các Cơ sở Xã hội Nuôi dưỡng, Điều dưỡng Người có công với Cách mạng được phân bố theo 3 mô hình: Mô hình Điều dưỡng Người có công; Mô hình Nuôi dưỡng Người có công; Mô hình Nuôi dưỡng Kết hợp Điều dưỡng Người có công.

Theo quy mô, chức năng phục vụ, trong các Cơ sở Xã hội Nuôi dưỡng, Điều dưỡng Người có công với Cách mạng có 10 cơ sở có tính chất vùng, thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ điều dưỡng, nuôi dưỡng ở phạm vi vùng.

Mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn 2050, hệ thống Cơ sở Xã hội Nuôi dưỡng, Điều dưỡng Người có công với Cách mạng gồm 70 cơ sở được phân bổ theo các vùng kinh tế-xã hội: Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc có 14 cơ sở tại 13 địa phương; Vùng Đồng bằng Sông Hồng có 20 cơ sở tại 11 địa phương; Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 18 cơ sở tại 14 địa phương; Vùng Tây Nguyên có 3 cơ sở tại 3 địa phương; Vùng Đông Nam Bộ có 5 cơ sở tại 3 địa phương; Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có 10 cơ sở do địa phương quản lý.

Đến năm 2025, hệ thống Cơ sở Xã hội Nuôi dưỡng, Điều dưỡng Người có công với Cách mạng có khoảng 2.300 cán bộ, nhân viên và đến năm 2030, dự kiến có khoảng 2.500 cán bộ nhân viên.

Về chất lượng: Đội ngũ cán bộ, nhân viên trong các Cơ sở Xã hội Nuôi dưỡng, Điều dưỡng Người có công với Cách mạng được đào tạo cơ bản và có kinh nghiệm trong hoạt động chăm sóc sức khỏe.

Đến năm 2025, có ít nhất 30% được đào tạo ở trình độ đại học trở lên, 55% được đào tạo trong các ngành y, dược và công tác xã hội.

Đến năm 2030, có ít nhất 60% đội ngũ cán bộ được đào tạo ở trình độ đại học trở lên, ít nhất 55% được đào tạo trong các ngành y, dược và công tác xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục