Phiên 23/11: Giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất một tuần

Khép phiên giao dịch 23/11, giá dầu Brent biển Bắc tăng 2,61 USD (3,3%) lên 82,31 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,75 USD (2,3%) lên 78,50 USD/thùng.
Phiên 23/11: Giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất một tuần ảnh 1Bể chứa tại một cơ sở khai thác dầu ở thành phố Dammam, Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới tăng lên mức cao của một tuần trong phiên 23/11 theo sau động thái “giải phóng” hàng chục triệu thùng dầu từ các kho dự trữ của Mỹ và các nước tiêu thụ khác để “hạ nhiệt” thị trường không như một số kỳ vọng.

Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 2,61 USD (3,3%) lên 82,31 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,75 USD (2,3%) lên 78,50 USD/thùng. Đây là mức tăng phần trăm lớn nhất tính theo ngày của dầu Brent kể từ tháng 8/2021 và là mức đóng phiên cao nhất kể từ ngày 16/11.

Ngày 23/11, Mỹ thông báo sẽ xuất kho dự trữ chiến lược hàng triệu thùng dầu, theo một kế hoạch phối hợp với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Anh để cố gắng hạ bớt giá dầu sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, nhiều lần phớt lờ lời kêu gọi tăng sản lượng dầu.

Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ sẽ “giải phóng” 50 triệu thùng dầu từ Kho Dự trữ Xăng dầu Chiến lược (SPR), bắt đầu từ giữa đến cuối tháng 12/2021.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết tác động của động thái này đối với giá dầu có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn sau nhiều năm đầu tư sụt giảm và sự phục hồi mạnh của kinh tế thế giới sau đại dịch COVID-19.

Các cuộc thảo luận về việc “bắt tay giải phóng” dầu từ kho dự trữ, đồng USD mạnh lên và khả năng nhu cầu năng lượng bị ảnh hưởng bởi làn sóng dịch COVID-19 thứ tư ở châu Âu đã khiến giá dầu Brent giảm hơn 10% kể từ khi chạm mức cao nhất trong ba năm là 86,70 USD/thùng hôm 25/10.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty dịch vụ môi giới OANDA (Mỹ) cho biết kế hoạch “bắt tay” xuất dầu từ SPR ít hơn dự kiến và sẽ không có gì ngạc nhiên nếu OPEC+ thu hẹp kế hoạch sản xuất của mình.

Cho đến nay, OPEC+ đã liên tục từ chối các yêu cầu bơm thêm dầu từ Mỹ. Dữ liệu kỹ thuật thu thập được trước cuộc họp OPEC+ sắp diễn ra vào tháng 12/2021 đã chỉ ra tình trạng dư cung dầu sẽ xuất hiện trong quý I/2022.

[Mỹ thông báo xuất 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược]

Đà tăng của giá dầu diễn ra trước lúc báo cáo lượng dầu dự trữ của Viện Xăng Dầu Mỹ (API), công bố ngày 23/11 và của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), công bố ngày 24/11. Các nhà phân tích dự đoán lượng dầu tại các kho của Mỹ sẽ giảm khoảng 500.000 thùng.

Trong khi đó, chỉ số đồng USD giao dịch gần mức cao nhất trong 16 tháng phiên 23/11 sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell được tái đề cử cho nhiệm kỳ thứ hai, củng cố đồn đoán của thị trường rằng lãi suất của Mỹ sẽ tăng vào năm 2022.

Đồng USD mạnh hơn khiến giá dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, điều mà các nhà giao dịch cho biết đã làm ảnh hưởng đến giá dầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục