Phiên họp 26: Cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp Quốc phòng

Việc xây dựng Luật Công nghiệp Quốc phòng, An ninh và Động viên Công nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định pháp luật có liên quan.
Phiên họp 26: Cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp Quốc phòng ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 20/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp Quốc phòng, An ninh và Động viên Công nghiệp.

Trình bày tóm tắt dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam nêu rõ việc xây dựng Luật Công nghiệp Quốc phòng, An ninh và Động viên Công nghiệp là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam cho biết việc xây dựng, ban hành Luật nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trước mắt và lâu dài, bao gồm cả đảm bảo cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.

[Sẽ trình Quốc hội cho ý kiến về 6 dự án luật tại Kỳ họp thứ 6]

Đồng thời, dự án Luật tập trung vào các nội dung: Nguồn vốn cho đầu tư; Nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng; Thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nhân tài phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; Triển khai các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm mũi nhọn; Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh, cơ sở động viên công nghiệp.

Phiên họp 26: Cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp Quốc phòng ảnh 2Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam trình bày tờ trình. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Việc xây dựng, ban hành Luật cũng nhằm phát huy vai trò chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong đảm bảo vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức đổi mới, sắp xếp hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh phù hợp đặc thù công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp và gắn với phương thức tác chiến của Quân đội, nhiệm vụ của Công an, đáp ứng với kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu; bảo đảm tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp.

Đồng thời, huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang nhân dân có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ tham gia đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp, tham gia sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật Công nghiệp Quốc phòng, An ninh và Động viên Công nghiệp gồm: 7 chương và 73 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và chế độ, chính sách đối với công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đánh giá cao các nội dung được quy định trong dự thảo Luật, tuy nhiên, các đại biểu đề nghị, cần quy định rõ hơn về đối tượng áp dụng để thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Các ý kiến cũng tập trung làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; bảo đảm nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng an ninh.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục