Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm việc tại Gia Lai và Kon Tum

Ngày 10/3, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng đoàn công tác đã thăm và làm việc với tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum.

Ngày 10/3, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng đoàn công tác đã thăm và làm việc với tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum.

Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác đã làm việc với Gia Lai về nội dung công tác đối ngoại của địa phương với tỉnh Ratanakiri (Campuchia).

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh biểu dương tỉnh Gia Lai đã duy trì mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền và nhân dân tỉnh Ratanakiri trên tinh thần hợp tác, hỗ trợ và giúp đỡ nhau về nhiều mặt nhằm phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội và an ninh chính trị.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm việc tại Gia Lai và Kon Tum ảnh 1Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Văn Thông/TTXVN)

Tình hình biên giới giữa hai nước nói chung và hai địa phương Gia Lai-Ratanakiri nói riêng đã có sự tiến bộ và ổn định.

Lãnh đạo hai tỉnh cũng thường xuyên thăm hỏi và trao đổi lẫn nhau về nhiều vấn đề có liên quan... Tình hình vượt biên trái phép cũng đã được chính quyền và các đơn vị chức năng hai bên phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn có hiệu quả.

Đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai ngày càng có ý thức trong việc xây dựng cuộc sống yên bình ở quê nhà, không nghe theo lời xúi giục, kích động của kẻ xấu, làm những điều trái pháp luật.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã kiểm tra một số cột mốc biên giới giữa hai nước Việt Nam-Campuchia tại địa bàn giữa hai tỉnh Gia Lai và Ratanakiri. Phó Thủ tướng ghi nhận địa phương đã kết hợp với tỉnh bạn thực hiện một số cột mốc biên giới quan trọng trên toàn tuyến.

Tỉnh Gia Lai có đường biên giới dài 90km tiếp giáp với tỉnh Ratanakiri (trong đó có khoảng 20km trên sông). Theo kế hoạch tổng thể của Ủy ban liên hợp Phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia thì biên giới của tỉnh Gia Lai được xác định có 16 vị trí mốc với 20 cột mốc gồm một mốc ba, hai mốc đôi và 13 mốc đơn; trong đó có một cột mốc loại A là Cửa khẩu kinh tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) và 19 cột mốc loại B. Đến nay, tỉnh đã xác định được 7/16 vị trí, cắm và xây dựng xong 10/20 mốc.

Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Gia Lai và các đơn vị bộ đội biên phòng tiếp tục gặp gỡ và làm việc với tỉnh Ratanakiri cùng tìm ra những giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành các cột mốc còn lại trên toàn tuyến. Trước mắt, cột mốc 30 (cửa khẩu Lệ Thanh) đã xác định được vị trí nhưng chưa xây dựng.

Phó Thủ tướng cũng ghi nhận những khó khăn của địa phương trong công tác tuần tra biên giới, sẽ báo cáo với Chính phủ xem xét và có kế hoạch đầu tư thích đáng nhằm nâng cấp tuyến đường tuần tra biên giới trên địa bàn, đảm bảo việc đi lại thực hiện nhiệm vụ tuần tra được thuận lợi trong cả hai mùa mưa-nắng.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao phần quà tặng Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Gia Lai có giá trị 100 triệu đồng.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng đoàn công tác đã tới thăm và làm việc tại Kon Tum.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh biểu dương nỗ lực của tỉnh Kon Tum trong phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Thủ tướng đánh giá cao các hoạt động đối ngoại của tỉnh Kon Tum, nhất là trong quan hệ, gắn bó với các địa phương của hai nước Lào, Campuchia.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm việc tại Gia Lai và Kon Tum ảnh 2Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Văn Thông/TTXVN)

Đối với cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Phó Thủ tướng yêu cầu Kon Tum phát huy vai trò của cửa khẩu quốc tế, làm cơ sở thể mở thêm các cửa khẩu phụ mới, nâng cấp cửa khẩu phụ thành cửa khẩu chính. Tỉnh cần chú ý hỗ trợ đào tạo cán bộ cho các tỉnh bạn, trong đó người đi học phải có trình độ nhất định, có đủ năng lực để khi đào tạo xong ở Việt Nam trở về nước sở tại phải có năng lực thực sự.

Theo Báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum, năm 2014, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 2.000 tỷ đồng (vượt dự toán Trung ương giao).

Công tác giảm nghèo, nhất là thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo được triển khai thực hiện tương đối tốt, qua đó giúp hơn 5.180 hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo...

Hoạt động đối ngoại tiếp tục được tăng cường; công tác tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới Việt Nam-Lào, phân giới cắm mốc Việt Nam-Campuchia được triển khai tích cực, có hiệu quả.

Năm 2014, tỉnh Kon tum đã ký kết, triển khai 12 biên bản ghi nhớ với các tỉnh của Lào, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc; thiết lập quan hệ hợp tác chính thức với tỉnh Ubon Ratchathani-Thái Lan để tăng cường, kết nối hợp tác trên lĩnh vực du lịch, thương mại, đầu tư...

Trong những năm qua, quan hệ hợp tác song phương với các tỉnh Attapeu, Sekong, Saravane, Champasack (Lào) và Rattanakiri (Campuchia) được củng cố và có những bước phát triển quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Để tăng cường hợp tác, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại với các tỉnh giáp biên giới nước bạn Lào, Campuchia, tỉnh Kon Tum đề nghị mở và nâng cấp thêm một số cửa khẩu trên địa bàn; có chương trình quảng bá, giới thiệu tiềm năng của tỉnh Kon Tum để thu hút đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục