"Vẫn còn nhiều doanh nghiệp vì tiết giảm chi phí đầu tư ban đầu mà sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, dẫn đến tiêu tốn nhiều năng lượng. Tình trạng này vừa ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp, vừa gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường."
Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại hội nghị "Tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả," do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội vào sáng 16/12.
Theo Phó Thủ tướng, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp hiện nay sử dụng công nghệ chưa cạnh tranh dẫn đến tiêu hao năng lượng lớn, trong đó ngành giao thông là một ví dụ điển hình khi nhiều phương tiện giao thông vẫn còn gây ô nhiễm môi trường.
"Nhu cầu sử dụng năng lượng là thực tế nhưng không thể vì sử dụng năng lượng mà dẫn đến sức cạnh tranh của nền kinh tế sụt giảm hoặc gây nguy hại cho môi trường," Phó Thủ tướng lưu ý.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2011-2015 đã giúp tiết kiệm 5,65% trên tổng năng lượng tiêu thụ ở giai đoạn trên, tương đương với việc tiết kiệm sử dụng trên 11 triệu tấn dầu quy đổi.
Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp, tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần, cụ thể, ngành thép mức giảm là 8,09%; ngành ximăng giảm 6,33% và ngành dệt sợi giảm 7,32%.
Mặc dù vậy, nhiều hạn chế trong nhận thức của cộng đồng cũng như doanh nghiệp khiến mục tiêu giảm sử dụng năng lượng vẫn chưa sâu sắc, bền vững. Điều đáng nói là, đến nay vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị chưa chủ động, tích cực thực hiện các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến tiết kiệm năng lượng.
Trích dẫn báo cáo của Ngân hàng thế giới, theo ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục năng lượng (Bộ Công Thương), các ngành công nghiệp của Việt Nam có tiềm năng tiết kiệm năng lượng lớn, có thể từ 25-40%, nhưng thực tế mới chỉ tiết kiệm được một phần trong con số đó.
Do vậy, theo chuyên gia này, việc tiết kiệm năng lượng phải đi từ nhận thức của từng doanh nghiệp và bản thân doanh nghiệp nên tự kiểm toán nhằm tìm ra được giải pháp thích hợp cho từng quy trình sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh của mình.
"Nếu các doanh nghiệp sử dụng năng lượng nhiều thì có thể đầu tư vào các dự án năng lượng, trên thực tế khi làm như vậy thì thời gian hoàn vốn chỉ mất từ 2-3 năm và sẽ đạt được hiệu quả cao," ông Đỗ Đức Quân nói./.