Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1080/QĐ-TTg phê duyệt danh sách thành viên Ủy ban Quốc gia về Trẻ em (Ủy ban). Theo Quyết định, Chủ tịch Ủy ban là Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Phó Chủ tịch Ủy ban gồm ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (Phó Chủ tịch Thường trực); ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế.
Các Ủy viên gồm bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (Thường trực); ông Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính; ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Y Vinh Tơr, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Ủy viên Ủy ban còn có ông Đỗ Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; ông Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.
Ủy ban Quốc gia về Trẻ em được thành lập từ tháng 6/2017.
[Đề nghị rà soát, đánh giá thực hiện tiêu chí Ngôi nhà an toàn cho trẻ]
Ủy ban có nhiệm vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, điều phối giữa các bộ, ngành và địa phương để giải quyết các vấn đề về trẻ em, thực hiện quyền trẻ em; đề xuất phương hướng, giải pháp để thực hiện các vấn đề liên quan đến trẻ em và thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.
Bên cạnh đó, Ủy ban phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp trong việc thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.
Ủy ban chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện quyền và các nhiệm vụ liên quan đến trẻ em; các báo cáo thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền.
Ủy ban Quốc gia về trẻ em làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của Ủy ban, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động, sử dụng bộ máy của mình để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban./.