Phòng thí nghiệm Mỹ ra mắt thiết bị xét nghiệm SARS-CoV-2 trong 5 phút

Cơ quan Dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đã cấp giấy phép khẩn cấp cho phòng thí nghiệm Abbot bắt đầu sản xuất các thiết bị xét nghiệm này để cung cấp cho các cơ sở chăm sóc y tế ngay từ tuần tới.
Phòng thí nghiệm Mỹ ra mắt thiết bị xét nghiệm SARS-CoV-2 trong 5 phút ảnh 1(Nguồn: abbott.com)

Phòng thí nghiệm Abbot của Mỹ đã ra mắt một thiết bị xét nghiệm cầm tay có thể thông báo kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 5 phút, và thông báo kết quả âm tính trong 13 phút.

Cơ quan Dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đã cấp giấy phép khẩn cấp cho phòng thí nghiệm trên bắt đầu sản xuất các thiết bị xét nghiệm này để cung cấp cho các cơ sở chăm sóc y tế ngay từ tuần tới.

FDA không phê chuẩn hay phủ nhận thiết bị trên, nhưng được quyền cho phép các phòng thí nghiệm và cơ sở chăm sóc y tế sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Thiết bị xét nghiệm trên chỉ có kích cỡ tương đương một lò nướng nhỏ và sử dụng công nghệ phân tử, cho phép thiết bị này được triển khai ở ngoài "4 bức tường của bệnh viện tại các điểm nóng dịch."

Chủ tịch Abbot Robert Ford khẳng định: "Đại dịch COVID-19 sẽ bị đánh bại trên nhiều mặt trận, và một thiết bị xét nghiệm cầm tay dùng công nghệ phân tử cho kết quả trong vài phút sẽ bổ sung vào loạt giải pháp chẩn đoán cần thiết để tiêu diệt virus."

Ông Ford cho biết Abbott đang phối hợp với FEA để gửi bộ thiết bị xét nghiệm này đến các vùng tâm dịch COVID-19.

Trong một diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Malaysia đã được lựa chọn là một trong những nước để Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiến hành một nghiên cứu chung về Remdesivir, loại dược phẩm dùng trong điều trị COVID-19.

Phát biểu với báo giới tối 27/3, ông Hisham Abdula, quan chức cấp cao Bộ Y tế Malaysia, cho biết nước này đã được WHO lựa chọn có khả năng tiến hành nghiên cứu và có sẵn các cơ sở y tế phục vụ chương trình nghiên cứu nói trên.

Theo ông Hisham, sau khi thảo luận chi tiết với WHO, bộ trên sẽ tiến hành nghiên cứu các bệnh nhân. Bệnh viện Sungai Buloh và một số bệnh viện khác đang điều trị COVID-19 sẽ là nơi tiến hành nghiên cứu.

Remdesivir là một loại thuốc kháng virus mới được sử dụng trong điều trị virus Ebola và Marburg.

Loại thuốc này cũng được ghi nhận có hoạt tính chống lại một số virus khác như virus gây bệnh về hô hấp và coronavirus, trong đó có dịch viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) và dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS).

Theo thống kê, tính đến hết chiều ngày 27/3, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.161 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 26 trường hợp tử vong và 259 trường hợp khỏi bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục