Phong tục Tết Ngô cổ truyền độc đáo của bà con dân tộc Cống ở Lai Châu

Dân tộc Cống là một trong những dân tộc có dân số ít nhất của nước ta, sở hữu bản sắc văn hóa riêng rất đặc sắc, trong đó, Lễ hội Tết Ngô cổ truyền của bà con khiến nhiều du khách rất thích thú.

Bà con người Cống ở bản Xám Láng, xã Nậm Khao, huyện Mường Tè. giữ gìn bản sắc dân tộc. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)
Bà con người Cống ở bản Xám Láng, xã Nậm Khao, huyện Mường Tè. giữ gìn bản sắc dân tộc. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Cuối tháng Năm, đầu tháng Sáu âm lịch hàng năm là mùa thu hoạch ngô của đồng bào dân tộc Cống ở xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Đây cũng là lúc bà con háo hức chuẩn bị cho Tết cổ truyền “Quề La Loong,” hay còn gọi là Tết Ngô.

Dân tộc Cống (hay còn gọi là Xá, Xá Cống), thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng Miến, là một trong những dân tộc có dân số ít nhất của nước ta, đứng thứ 48 trên tổng số 54 dân tộc của cả nước.

Ở Lai Châu hiện có khoảng hơn 1.500 người Cống, chiếm 0,36% dân số của tỉnh. Bà con cư trú chủ yếu ở 6 bản thuộc hai huyện Mường Tè và Nậm Nhùn, trong đó có 5 bản chỉ có người Cống sinh sống, không xen lẫn cùng các dân tộc khác.

Tập quán định cư này đã giúp người Cống bảo tồn được bản sắc văn hóa riêng của mình, thể hiện trong các di sản văn hóa như trang phục, kiến trúc nhà ở, văn học, nghệ thuật dân gian… vẫn được giữ gìn nguyên vẹn đến ngày nay.

Người Cống không có nhiều lễ hội trong năm nhưng mỗi lễ hội đều rất đặc sắc, điển hình nhất là Tết Ngô cổ truyền - dịp để dân làng cảm tạ các vị thần linh và tổ tiên đã phù hộ, bảo vệ trong suốt năm qua và mong cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình, bản làng ấm no hạnh phúc.

ttxvn Tet ngo.jpg
Tết Ngô là sự kiện quan trọng nhất trong năm của bà con người Cống. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Bởi ngô là cây lương thực chính của người Cống từ hàng trăm năm qua, nên đồ lễ chính trong Tết Ngô hầu hết đều được chế biến từ ngô. Cho dù giờ đây, thóc gạo đã đầy bồ, ngô không phải là lương thực chính nhưng phong tục cổ truyền của người Cống vẫn được giữ nguyên.

6 tháng trước Tết, bà con đã nuôi lợn, nuôi gà và trồng ngô cho kịp ra bắp để cúng Tết. Nhà nào trong bản cũng chuẩn bị chu đáo.

Không khí Tết bắt đầu rạo rực khi thày cúng và những người đàn ông trong bản đan những chiếc phên mắt cáo cắm lên ruộng nương để thông báo cả bản nghỉ làm nương để ăn Tết.

Sáng sớm ngày 1/6 âm lịch - ngày chính hội Tết Ngô, bà con diện những bộ trang phục mới và đẹp nhất để chuẩn nghi thức cúng Tết.

Những lễ vật cúng tổ tiên trong dịp Tết cổ truyền của người Cống không thể thiếu những món ăn chế biến từ ngô như bánh ngô, cơm ngô, ngô luộc…

Bánh ngô được làm từ ngô nếp non được tẽ hạt đem xay mịn, trộn đều với mật ong, sau đó gói lại bằng lá dong và đồ chín. Tiếp đó, các gia đình sẽ chọn 4 chiếc bánh tròn nhất, đẹp nhất, thể hiện cho 4 mùa trong năm bày lên ban thờ gia tiên.

Món cơm ngô là ngô non nạo nhỏ trộn với gạo nếp và cũng được gói trong lá dong rồi đồ lên trong chõ. Khi cơm ngô chín, hương nếp non và cơm nếp hòa quyện tỏa ra một mùi thơm rất quyến rũ.

Trong mâm lễ cúng Tết của người Cống còn có thịt lợn, thịt gà, nấm rừng, ngọn rau bí luộc, rượu ngô… thể hiện lòng thành của con cháu với tổ tiên.

Đặc biệt không thể thiếu 12 con cua đá con tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Trong quan niệm của người Cống, cua là con vật bảo vệ mùa màng. Khi hạt ngô gieo xuống đất, mọc mầm, chim chóc, chuột, sóc đến phá hoại, cua sẽ dùng hai càng của mình đuổi chúng đi.

nguoi Cong2.jpg
Bà con đồng bào người Cống truyền dậy lớp trẻ giữ gìn bản sắc dân tộc. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Trong buổi sáng ngày Tết Ngô đầu tiên, dân bản cũng sẽ thực hiện nghi thức tắm suối để gột rửa hết bệnh tật, xui xẻo ra khỏi người, đón một năm mới dồi dào sức khỏe và may mắn.

Khi ra suối, bà con không quên mang theo một ít thuốc lào để mời con ma rừng hút thuốc với mong muốn con ma rừng sẽ vui và không làm hại người. Tuy chỉ là truyền thuyết từ xưa truyền lại, nhưng người Cống vẫn duy trì như một tập tục mang nét văn hóa riêng của dân tộc mình.

Sau đó, là nghi lễ tắm suối, bà con để nước suối gột rửa hết bệnh tật xui xẻo ra khỏi người, để đón Tết Ngô dồi dào sức khỏe và may mắn.

Trong lễ hội Tết Ngô, người Cống cũng trình diễn nhiều điệu múa dân gian độc đáo như múa đuổi thú, múa “Pê lêm gian” (múa giỏ), múa “tăng bu,” “tăng bẳng,” mô phỏng các hoạt động sinh hoạt thường ngày rất sinh động và cuốn hút.

Tết Ngô của người Cống càng trở nên tưng bừng náo nhiệt với sự giao lưu, góp vui của bà con người Si La, người Mảng, người Lự các bản lân cận. Sân hội ngày một đông, bà con nhảy múa, ca hát và hòa mình say sưa trong các trò chơi dân gian như kéo co, ném còn, đánh cầu lông gà, xòe…

Không chỉ mang giá trị tâm linh sâu sắc, Tết Ngô của người Cống còn là dịp củng cố và mở rộng các mối quan hệ cộng đồng và duy trì tính thiêng liêng tín ngưỡng trong tâm thức của người dân.

Nhằm góp phần gìn giữ và bảo tồn phong tục truyền thống của bà con, trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I tại tỉnh Lai Châu và Tuần Du lịch-Văn hóa Lai Châu năm 2023, tỉnh Lai Châu đã giới thiệu trích đoạn Tết Ngô của đồng bào dân tộc Cống, ở xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, thu hút sự quan tâm lớn của đông đảo người dân và du khách./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục