Công chúng tham quan các hiện vật văn hóa Đông Sơn (thế kỷ 7 trước Công nguyên - thế kỷ 1-2 sau Công nguyên) đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội). Hiện nay, ở nước ta, hơn 200 di tích văn hóa Đông Sơn đã được phát hiện, chủ yếu phân bố tại lưu vực ba dòng sông lớn: sông Hồng (đồng bằng Bắc Bộ), sông Mã (Thanh Hóa) và sông Cả (Nghệ An). (Ảnh: A.N/Vietnam+)
Âu đồng tìm thấy trong mộ thuyền Việt Khê (Hải Phòng). Di vật của văn hóa Đông Sơn mang tính thẩm mỹ cao, được làm nhiều loại chất liệu khác nhau (như đồng, sắt, gốm, đá...); trong đó, nổi bật hơn cả là bộ sưu tập hiện vật bằng đồng. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Bình đồng Việt Khê, tìm thấy trong mộ thuyền Việt Khê (Hải Phòng). Tùy theo chức năng sử dụng, hiện vật văn hóa Đông Sơn được chia thành các loại hình: đồ dùng sinh hoạt, công cụ lao động, vũ khí, đồ trang sức... (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Muôi đồng Việt Khê, được tìm thấy trong mộ thuyền Việt Khê (Hải Phòng). (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Rìu gót vuông với họa tiết trang trí là cảnh săn hươu, được tìm thấy tại Hà Đông (Hà Nội). Cư dân Đông Sơn đã chế tạo được bộ công cụ lao động phong phú, thể hiện sự chuyên dụng, tiến bộ rõ nét so với thời kỳ trước: các loại rìu, dao để chặt cây, khai hoang; các loại cuốc, xẻng, mai, thuổng, lưỡi cày để làm đất... (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Trống Miếu Môn - một hiện vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn, được phát hiện tại Chương Mỹ (Hà Nội). Trống đồng Đông Sơn là minh chứng tiêu biểu cho kỹ thuật đúc đồng của người Việt cổ. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).
Trống đồng Ngọc Lũ (niên đại khoảng 2.500 năm) là một trong những sản phẩm tiêu biểu nhất của hệ trống đồng Việt Nam. Hoa văn trang trí trên chiếc trống đồng này được coi là một chuẩn mực về sự kết hợp hài hòa những đặc trưng, phong cách nghệ thuật trang trí đồ đồng Đông Sơn. Trống đồng Ngọc Lũ được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2012. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Hình ảnh đánh trống trên mặt trống Cổ Loa. Theo thạc sỹ Nguyễn Quốc Hữu (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), có thể, ban đầu, trống đồng được sử dụng phổ biến với tư cách là một nhạc khí quan trọng, nhưng dần dần đã trở thành biểu tượng quyền lực của các thủ lĩnh Đông Sơn. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Thạp đồng Đào Thịnh có đường kính miệng 61cm, đường kính đáy 60cm và cao 98cm. Hoa văn trang trí trên thân thạp (hình khắc những chiếc thuyền mũi cong với các chiến binh ở những tư thế khác nhau, tay cầm các loại vũ khí) cho thấy sự phát triển trong kỹ thuật đóng thuyền và thủy chiến của chủ nhân văn hóa Đông Sơn. Đây còn là hiện vật tiêu biểu cho quan niệm phồn thực của người Việt cổ với hoa văn trang trí trên nắp thạp là 4 cặp tượng trai gái đang giao hợp. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Tượng người cõng nhau thổi khèn, phát hiện tại Đông Sơn (Thanh Hóa). Nghệ thuật tạo tượng trong văn hóa Đông Sơn tương đối phát triển. Khi tạo tượng, cư dân Đông Sơn thường mô tả chính mình và thế giới xung quanh với những loài động, thực vật gần gũi trong cuộc sống như: voi, hươu, bông lúa... (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Trâm cài tóc bằng đồng. Đồ trang sức bằng đồng là loại đồ trang sức phổ biến nhất trong văn hóa Đông Sơn. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Vòng thủy tinh - di vật văn hóa Đông Sơn được phát hiện tại Bãi Phôi Phối (Hà Tĩnh). Bên cạnh chất liệu đồng, người Việt cổ thời kỳ này còn chế tác và sử dụng các loại đồ trang sức bằng đá, thủy tinh. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
(Vietnam+)