Cuộc tái hiện lễ cưới của người Pà Thẻn diễn ra ngày 22/11 là một trong nhiều hoạt động nhằm thực chào mừng 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020), chào mừng thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và kỷ niệm 75 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2020). (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Thuộc nhóm 10 dân tộc thiểu số đặc biệt ít người, người Pà Thẻn phân bố rải rác tại khu vực các bản của tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang. Khi nói đến cưới hỏi, người Pà Thẻn có tục ở rể hoặc đón dâu về nhà chồng giống người Kinh. Việc này sẽ tùy vào điều kiện và thỏa thuận giữa các gia đình, con trai sẽ tới ở rể tại nhà vợ nếu gia đình vợ neo người, thiếu con trai hoặc có điều kiện hơn nhà trai. Tại buổi tái hiện này, ban tổ chức đã chọn dựng lại lễ cưới của người Pà Thẻn ở Thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, Hà Giang, với hình thức gia đình nhà trai đi xin dâu, cưới cô gái về nhà chồng. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Trước lễ tái hiện, người đóng vai quan làng của làng bên nhà trai (phải) giới thiệu đôi chút cho khách tham quan có nhu cầu về trang phục của đôi trai gái Pà Thẻn, Hà Giang vào ngày cưới. Theo đó, đôi vòng bạc cô dâu đeo là do nhà gái cung cấp. Việc đeo 2 chiếc thể hiện ước mong cho đôi vợ chồng gắn kết dài lâu. Hai chiếc khăn đội đầu là để cả hai che mặt khi sau này đến ăn ở nhà nội (đối với cô dâu), nhà ngoại (đối với chú rể). Theo phong tục ngày xưa, chiếc khăn sẽ che toàn bộ khuôn mặt nhưng ngày nay, khăn chỉ che một phần cho thấy người dân đã có cải tiến trong lối suy nghĩ, ông cho biết. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Lễ tái hiện bắt đầu bằng cảnh ở nhà trai. Trước khi đi đón dâu, chủ nhà trai (bên phải) tập hợp mọi người lại để giao nhiệm vụ cho quan làng (giữa), phó quan làng (trái) và các thành viên của đoàn đi đón dâu. Sau khi bàn giao lễ vật cho quan làng, chủ nhà mời mỗi người 1 chén rượu rồi trao trách nhiệm đón dâu. Quan làng nhận nhiệm vụ và hứa với chủ nhà trai sẽ đưa cô dâu về nhà an toàn, đi đến nơi về đến chốn, thuận lợi. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Lễ vật gồm 36 đồng bạc đựng trong chiếc túi đỏ nhỏ, buộc dây màu vàng, rượu được đựng trong ống nứa (giờ đây họ còn đựng trong chai), 2 con gà trống, thịt lợn, hoa quả bánh kẹo, lồng gà được trang trí hoa giấy sặc sỡ. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Quan làng nhận nhiệm vụ rồi vác chiếc lồng gà rồi đi trước, đoàn nhà trai gồm thành phần nữ và nam. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Khi đi trên đường, chú rể được che trên đầu một chiếc ô đen để tránh ma quỷ, mọi sự xui xẻo, người đóng vai quan làng cho biết. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Quan làng đến nơi trước, nhà gái vẫn còn đóng cửa. Sau đó, ông quan làng nói lý: quan làng tôi đến ngoài cửa nhà bên ngoại tôi thấy có 2 cánh cửa khép, tôi cũng đến nói lý nếu hợp duyên, hợp số thì để tìm hạnh phúc cho hai đứa bên nội và bên ngoại, và xin nhà gái mở cửa để đón quan làng và đoàn đón dâu. Các câu nói lý đều trầm bổng, giàu thanh âm như những câu hát.(Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Đại diện nhà gái (ngoài cùng, trái) tiếp quan làng, phó quan làng. Sau khi hai bên gia đình lần lượt mời rượu nhau, nhà trai làm lễ trao lễ vật cho nhà gái. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Các lễ vật được bày lần lượt trên bàn, dưới đất. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Túi tiền được nhà gái đặt lên ban thờ. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Sau khi nhận đủ lễ vật, nhà gái mới đồng ý cho phép trưởng đoàn đón dâu và con rể vào nhà. Đại diện nhà gái ra đón đoàn trước cửa nhà, thành phần gái trong đoàn được phép vào trước, trưởng đoàn và con rể xếp hàng trước cửa nhà làm lễ cúi lạy 4 hướng Đông, Tây Nam, Bắc tượng trưng cho sự may mắn, bình an cho cả 2 gia đình. Sau đó, họ tiếp tục vào trong để làm lễ cúng, mời tổ tiên, thổ công bên nhà gái về để chứng kiến, báo cáo về đám cưới. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Sau đó, hai đoàn mời nhau uống nước, chú rể sẽ lần lượt đi rót rượu mời đại diện hai bên gia đình và rót rượu mời cả tổ tiên, thần linh trên ban thờ. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Sau khi đồng ý, nhà gái xin chờ cho cô dâu trang điểm, sửa soạn trong buồng. Lúc này, các phù dâu như cô gái Pà Thẻn trong ảnh, mẹ, chị gái... sẽ ở bên cạnh để hỗ trợ, giúp đỡ cô dâu. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Xong xuôi, trưởng đoàn nhà trai nói lý bằng tiếng Pà Thẻn để cảm ơn còn các phù dâu sẽ đưa cô dâu rời nhà trước, theo phía sau là đoàn nhà gái. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Theo người đóng vai quan làng, trang phục của cô dâu về cơ bản là trang phục truyền thống trong dịp lễ hội của người phụ nữ Pà Thẻn, tuy nhiên có 3 chiếc khăn làm nên điểm khác biệt: chiếc khăn đội trên đầu để che mặt cho đỡ ngại khi về nhà mới, chiếc khăn đeo ở cổ sẽ dùng để cha mẹ chồng rửa tay khi con dâu về tới nhà, cuối cùng là chiếc khăn quàng cổ màu đỏ chỉ dành riêng cho cô gái ngày vu quy. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Các cô gái đội khăn xếp, thường tết gọn mái tóc dài của mình phía sau lưng. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Khi về đến nơi, nhà trai tiếp tục phải chuẩn bị 1 mâm cúng thần linh, thổ địa lần nữa ở trước cửa nhà, gồm: 1 đầu lợn, 1 bộ nội tạng, 10 cái chén, 2 chai rựơu. Đoàn đón dâu và đưa dâu đứng 2 bên mâm, làm lễ báo cáo đã đón dâu thành công. Sau đó, hai đoàn nhà trai, gái cùng vui vẻ ăn và uống rượu. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Phút vui đùa, ngẫu hứng khi hai người đoàn nhà nam gắp cho nhau những miếng thịt luộc được chuẩn bị sẵn trên mâm cúng. Theo quan niệm ngày xưa, sau lễ lạy thần xong thì quan làng dẫn những người trong nhà trai và anh em bên nội ra khỏi nhà để tránh trước khi con dâu vào nhà. Họ cho rằng nếu bên nội không tránh lúc đó thì dâu về nhà mình về sau này sẽ coi khinh anh em bên nội. (Ảnh: Vũ Văn Mừng)
Cuối cùng, đại diện đoàn nhà trai, nhà gái sẽ dùng hai chiếc khăn đeo ở cổ cô dâu, chú rể để rửa tay. Trong mỗi chậu còn có một bao lì xì đỏ, trong đó có 2 đồng bạc. Đây được coi như lời cảm ơn của cô dâu chú rể tới những người quan làng đã giúp đỡ lễ cưới được trọn vẹn, thành công tốt đẹp. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)
(Vietnam+)