Phú Thọ: Đẩy mạnh khai thác giá trị kinh tế của chè búp tím Thanh Ba

Chè búp tím Thanh Ba nổi tiếng với dược tính cao, có nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên loại chè "biệt dược" này có nguy cơ sẽ biến mất nếu không có các dự án bảo tồn, phát triển và thương mại hóa.

Chè búp tím Thanh Ba có nhiều dược tính có lợi cho sức khỏe. (Ảnh: TTXVN phát)
Chè búp tím Thanh Ba có nhiều dược tính có lợi cho sức khỏe. (Ảnh: TTXVN phát)

Chè búp tím là giống chè quý hiếm, chứa nhiều dược tính. Như tên gọi, cây chè có ngọn màu tím giống như màu mận chín, cuống lá non màu đỏ, búp lá cũng màu đỏ hoặc tím. Khi pha trà có hương vị đượm đặc trưng.

Ở một số thị trường nước ngoài như Pháp, Nhật Bản, chè búp tím được đánh giá cao và phát triển mạnh nhờ những giá trị vượt trội đối với cho sức khỏe như ngăn ngừa ung thư, giảm huyết áp, giảm mỡ máu, chống ôxy hóa…

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, chè búp tím giàu chất anthocyanin, một thành phần rất tốt cho sức khỏe bởi nó có khả năng ngăn ngừa, điều trị một số bệnh ung thư, giúp tăng cường thị giác, giảm mỡ máu, giảm cholesterol xấu.

Chè búp tím còn chứa thành phần polyphenol giúp giảm mỡ, tăng cơ, thúc đẩy quá trình chuyển hóa mỡ thừa thành năng lượng cho cơ thể hoạt động. Nhờ công dụng này, chè búp tím được ứng dụng hiệu quả giúp giảm cân, tăng cơ và xây dựng hình thể.

Chè búp tím cũng chứa hàm lượng dồi dào catechins tương tự như chè xanh, giúp tăng cường chức năng não. Thành phần caffein trong chè búp tím giúp giảm căng thẳng, chống buồn ngủ, giảm mệt mỏi và lợi tiểu.

ttxvn che bup tim2.jpg
Sản phẩm chè búp tím Thanh Ba đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp chứng nhận OCOP 4 sao. (Ảnh: TTXVN phát)

Chè búp tím còn chứa vitamin C giúp tăng sức đề kháng, chống oxy hóa và ngăn ngừa, cải thiện cảm cúm. Vitamin nhóm B, vitamin E và thành phần flavonoid có trong chè búp tím giúp giảm huyết áp, chống oxy hóa, bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Cây chè búp tím ở Việt Nam đã có từ lâu đời, phân bố chủ yếu ở hai tỉnh Phú Thọ và Thái Nguyên, được trồng nhiều nhất ở xã Thái Ninh, xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba, Phú Thọ. Tuy nhiên, giống chè đặc sản quý hiếm này dần bị mai một và có nguy cơ mất hẳn.

Mặc dù chè búp tím có giá khá cao 800.000 đồng/kg, song diện tích trồng chè búp tím chỉ chiếm chưa đến 1% diện tích chè trung du và 0,2-0,3% diện tích trồng chè nói chung của Phú Thọ.

Nguyên nhân do chè búp tím chủ yếu được trồng bằng hạt nên năng suất và chất lượng chưa ổn định. Năng suất trung bình là 5-6 tấn/ha, thấp hơn rất nhiều so với mức 8-12 tấn/ha của các giống chè mới như LDP1, LDP2, Kim Tuyên...

Mặt khác, việc canh tác và chế biến của người dân địa phương vẫn theo phương thức thủ công, quy mô nhỏ lẻ nên sản phẩm chưa có tính hàng hóa cao.

Do năng suất thấp, nhiều hộ đã chặt bỏ chè búp tím để để thay thế bằng các giống chè lai hay cây trồng khác. Nhiều cây chè tím cổ thụ còn bị bứng gốc làm cây cảnh.

Để bảo tồn và phát triển giống chè đặc sản này, những năm gần đây, huyện Thanh Ba rất chú trọng tập trung nguồn lực mở rộng diện tích, phát triển chè búp tím, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm chè búp tím phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Mới đây, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Trà UT đã triển khai Dự án “Duy trì và phát triển chè búp tím Thanh Ba,” bước đầu đã gặt hái những thành công đáng khích lệ. Dự án đã lọt vào Vòng chung kết cấp Vùng Cuộc thi Phụ nữ Khởi nghiệp năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động.

Xác định vùng nguyên liệu chất lượng cao là điều kiện tiên quyết để xây dựng thương hiệu chè búp tím, Công ty đã thay đổi phương thức canh tác chè búp tím theo hướng hữu cơ, đảm bảo không chỉ ngon, giữ nguyên dược tính của chè mà còn an toàn, phát huy hết công dụng của sản phẩm.

ttxvn che bup tim3.jpg
Đóng gói chè búp tím Thanh Ba. (Ảnh: TTXVN phát)

100% diện tích chè búp tím của Công ty được chăm sóc đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, chỉ sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh, thu hái tiêu chuẩn một tôm 2 lá non.

Cùng với đó, việc thu hoạch phục vụ chế biến được theo dõi sát sao từng ngày, từng lô riêng biệt đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn, không bị lỗi.

Với 17ha áp dụng quy trình sản xuất mới, sản lượng thu hoạch chè búp tím đến hết niên vụ 2023 đạt 36 tấn búp tươi, tăng cao hơn nhiều so với áp dụng phương thức canh tác cũ. Công ty đã ký hợp đồng phân phối với hai đối tác lớn, 10 đại lý trực tiếp. Dự kiến năm 2023 sẽ đạt doanh số tối thiểu 3 tỷ đồng.

Từ nay đến năm 2024, Công ty tiếp tục mở rộng sản xuất, trồng mới 2ha chè búp tím tại đồi; vận động, tuyên truyền, hỗ trợ các hộ dân xung quanh trồng mới 3ha diện tích đồi chè; đồng thời đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị phục vụ chế biến để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Sản phẩm đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ cấp chứng nhận OCOP 4 sao. Công ty hiện đang đề nghị đề nghị chứng nhận OCOP 5 với sản phẩm chè búp tím túi lọc và loại gói quà tặng sang trọng nhằm nâng cao giá trị thương hiệu chè búp tím Thanh Ba.

Sự thành công của dự án là động lực thúc đẩy thương mại hóa cây chè búp tím Thanh Ba mạnh mẽ hơn, góp phần bảo tồn giống chè quý, phát huy tài nguyên bản địa và đóng góp vào nền kinh tế địa phương, nâng cao đời sống người dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục