Phú Yên: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số

Cộng đồng các dân tộc tại Phú Yên phát triển đa dạng và phong phú với 33 dân tộc anh em, trong đó có 32 dân tộc thiểu số, trên 60.000 người sinh sống, chiếm gần 7% dân số toàn tỉnh.
Phú Yên: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số ảnh 1Trình diễn trống đôi đồng bào Ba Na ở huyện Đồng Xuân, (Phú Yên. (Ảnh: TTXVN phát)

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Phú Yên là địa bàn cư trú lâu đời của 3 dân tộc chính gồm Êđê, Chăm và Bana.

Đến nay, cộng đồng các dân tộc phát triển đa dạng và phong phú với 33 dân tộc anh em, trong đó có 32 dân tộc thiểu số, trên 60.000 người sinh sống, chiếm gần 7% dân số toàn tỉnh.

Mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú cho nền văn hóa của địa phương.

Đa dạng văn hóa

Ngày hội Đoàn kết Thanh niên Dân tộc Thiểu số tỉnh Phú Yên do Tỉnh Đoàn và Ban Dân tộc tỉnh phối hợp tổ chức tại huyện Sông Hinh có sự tham gia của hơn 300 đoàn viên đến từ các xã Ea Lâm, Ea Bar, Ea Ly và Ea Lâm.

Bên cạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Ngày hội còn là dịp để các bạn trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây trình diễn trang phục, nhạc cụ truyền thống và giao lưu văn hóa.

Chị Ksor Hờ BLứ, người Êđê, xã Ea Ly, cho biết tham gia Ngày hội Đoàn kết thanh niên dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên, chị chọn trang phục truyền thống của dân tộc mình để biểu diễn văn nghệ và tham gia các phần thi. Bộ trang phục này là thành quả của người Êđê bao đời nay và thường được mặc trong dịp lễ hội, ngày trọng đại trong gia đình.

Chị BLứ tự hào khi khoác trên mình bộ trang phục của đồng bào và luôn luôn biết ơn, ghi nhớ các thế hệ đi trước đã để lại nét văn hóa truyền thống đặc sắc này.

Trong văn hóa của người Êđê tại Phú Yên, bộ trang phục truyền thống được dệt bằng thổ cẩm từ những người thợ tỉ mẩn, tinh tế và thường có hai màu chủ đạo là đen và chàm.

[Tái hiện và bảo tồn các di sản truyền thống: Hãy để người dân làm chủ!]

Áo của phụ nữ có thiết kế xẻ ngang từ bờ vai trái sang bờ vai phải. Khi mặc, áo ôm sát vào thân hình các cô gái và buông xuôi dài đến thắt lưng. Tay áo ngắn, tương đối hẹp, phần cổ áo cao, rộng và dễ mặc.

Trên nền màu chàm, áo được trang trí bằng đường viền kết hợp dải hoa văn nhỏ bằng sợi màu đỏ, trắng, vàng ở cổ áo, bả vai, cánh tay, cửa tay và gấu áo.

Theo Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Võ Duy Kha, huyện Sông Hinh là nơi sinh sống lâu đời của nhiều dân tộc thiểu số. Đồng bào nơi đây đã tạo nên đời sống văn hóa phong phú, độc đáo. Đặc biệt là các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như cồng chiêng, đàn tính, tù và, các bộ sử thi và trang phục truyền thống bằng thổ cẩm.

Trang phục thổ cẩm của đồng bào thiểu số nơi đây có nhiều nét đặc trưng bởi hoa văn trang trí cầu kỳ và màu sắc tươi đẹp. Nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại các nhà rông ở từng buôn, làng góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc anh em trên địa bàn.

Ngày hội được tổ chức là dịp để các dân tộc giao lưu, học hỏi và phát huy giá trị truyền thống.

Trong các dịp lễ hội, đồng bào Bana, Chăm tại huyện Đồng Xuân trình diễn nghệ thuật mùa trống đôi và cồng chiêng.

Đây là nét văn hóa truyền thống độc đáo, toát lên sự phóng khoáng, ngẫu hứng, món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào thiểu số nơi đây.

Theo ông Đoàn Văn Tươi, già làng người Bana thuộc xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân), trống đôi gồm trống đực và trống cái. Người múa trống đôi phải là nam giới có sức khỏe tốt bởi trong quá trình múa trống, họ phải thực hiện, kết hợp nhuần nhuyễn các động tác phức tạp.

Nghệ thuật trình diễn trống đôi kết hợp với cồng ba, chiêng năm của người Chăm và Bana (huyện Đồng Xuân) được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 2/2016.

Nghệ thuật này đã và đang trở thành sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Phú Yên, thu hút đông đảo du khách tham gia tìm hiểu, trải nghiệm, góp phần vào sự phát triển văn hóa, du lịch địa phương.

Do đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị của nghệ thuật trống đôi, cồng ba, chiêng năm là cần thiết, cấp bách.

Phát huy giá trị

Ngành Văn hóa tỉnh Phú Yên và các địa phương luôn quan tâm, thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Phú Yên: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số ảnh 2Văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số tại Phú Yên. (Ảnh: TTXVN phát)

Để bảo tồn và phát triển Di sản Văn hóa Phi vật thể trống đôi, cồng ba, chiêng năm, Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Xuân thực hiện nhiều đề án về phát triển văn hóa, du lịch gắn với nghệ thuật này.

Địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia tìm kiếm, sưu tầm và bảo tồn các loại nhạc cụ trống, cồng, chiêng; vệ sinh môi trường, giữ gìn buôn làng xanh sạch đẹp.

Ngành Văn hóa huyện phối hợp với các già làng kiện toàn đội cồng chiêng, vận động thanh thiếu niên tham gia.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên mở lớp tập huấn, truyền dạy cách trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số Chăm và Bana tại các buôn, làng ở huyện Đồng Xuân.

Đối với nghề dệt thổ cẩm ở huyện Sông Hinh, địa phương xác định là nghề truyền thống tạo nên giá trị văn hóa đặc trưng trong trang phục truyền thống của người phụ nữ Êđê nói riêng và các dân tộc cùng sinh sống nơi đây nói chung.

Do vậy, ngành Văn hóa huyện xúc tiến thành lập Câu lạc bộ dệt thổ cẩm với nhiều thành viên tham gia. Địa phương thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, tạo điều kiện cho các sản phẩm từ nghề dệt thổ cẩm thu hút du khách, từng bước tìm được đầu ra ổn định để người dân yên tâm làm nghề, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, ngành Văn hóa thực hiện nhiều đề án, kế hoạch, chương trình của Ủy ban Nhân dân tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa miền núi như bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030; Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022-2023.

Định kỳ 3 năm một lần, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Đây là dịp để cộng đồng dân tộc thiểu số tái hiện lại cuộc sống hằng ngày như Lễ mừng lúa mới, Lễ cầu mưa và các hoạt động văn hóa ý nghĩa khác.

Sở tổ chức cho đồng bào dân tộc Chăm tham gia Ngày hội văn hóa Chăm tại tỉnh Ninh Thuận, Tuần Đại đoàn kết các Dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam, Ngày hội Văn hóa các Dân tộc Thiếu số miền Trung, Ngày hội Trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc Việt Nam… tại địa phương và các tỉnh khác trong cả nước.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thái chia sẻ thêm, mới đây, vào tháng 7/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch thực hiện Dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2023-2025 (Dự án 6).

Đây là một trong những dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Thực hiện Dự án 6, ngành Văn hóa tỉnh Phú Yên sẽ phối hợp với các địa phương phục dựng Lễ hội Xuống đồng của người Tày, Nùng tại huyện Sông Hinh; tổ chức lớp truyền dạy cồng chiêng tại huyện Sơn Hòa; xây dựng mô hình tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa đặc thù dân tộc thiểu số tại huyện Sơn Hòa; xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Đồng Xuân; tổ chức lớp tập huấn dệt thổ cẩm tại huyện Đồng Xuân, huyện Sông Hinh…

Các hoạt động này góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, từng bước thu hẹp khoảng cách về thụ hưởng văn hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với vùng đồng bằng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục