Khốc liệt Premier League

Premier League - Cuộc chiến luôn khốc liệt

So với “tam mã” tranh đỉnh cao, “tứ mã” mơ Champions League thì cuộc đua “ngũ mã” tìm cửa sống gay cấn không kém tại Premier League.

Màn “tam mã” M.U, Chelsea, Arsenal và “tứ mã” Tottenham, Man.City, Liverpool, Aston Villa phía sau đã chiếm trọn tâm điểm của Premier League mùa này.

 Trong cái bóng của những đường đua vinh quang lóng lánh đó, cuộc chiến giành giật sự sống ở nhóm cuối bảng ít được quan tâm hơn. Nhưng thực tế, đó cũng là sân chơi cực kỳ khốc liệt với nỗi đau đang lơ lửng trên đầu không ít cái tên.

Vươn lên Premier League đã khó, trụ lại càng khó hơn. Wolves và Burnley đang thấm thía điều đó. Số phận với những tân binh luôn nghiệt ngã. Hố sâu khoảng cách từ tài chính đến thực lực khiến họ thường chao đảo khi “chân ướt, chân ráo” đến với giải đấu đẳng cấp cao nhất này.

Thống kê cho thấy rõ điều đó. Từ khi Premier League ra đời năm 1992 đến nay, ngoại trừ mùa giải 2001-2002, còn lại mùa giải nào cũng có ít nhất 1 tân binh nhanh chóng trở lại với Championship. Có những mùa giải nghiệt ngã cho họ như 1997-1998 khi cả ba tân binh cùng khăn gói rời cuộc chơi.

Năm nay sẽ không đến nỗi bi kịch như vậy cho các tân binh khi Birmingham thậm chí còn đang mơ đến tấm vé dự Europa League mùa sau.

Nhưng Wolves và Burnley thì không có viễn cảnh màu hồng như vậy. Họ đang trong nhóm vật lộn trụ hạng mà vòng 30 cuối tuần này sẽ là cuộc chiến “6 điểm” khi hai đội đụng độ nhau ở trận chung kết “ngược”.

Một vòng đấu mang nhiều ý nghĩa cho những kẻ khốn khổ. Ngoài màn tử sinh Burnley-Wolves, các tên tuổi đang đắm chìm khác cũng có nguy cơ... chìm đắm hơn. Hull, áp chót bảng, phải tiếp đón Arsenal còn West Ham sẽ hành quân đến Stamford Bridge trong trận derby London đầy tương phản.

Với Arsenal và Chelsea, đây là cơ hội để gia tăng cước lực trên hành trình tìm kiếm vinh quang. Nhưng với Hull và West Ham, đây lại là nguy cơ nhấn chìm họ hơn nữa. Có điểm là nhiệm vụ quá khó, nếu không nói là bất khả thi trong bối cảnh hiện nay.

Về lý thuyết, cuộc chiến trụ hạng có thể bao gồm tới cả... nửa sau bảng xếp hạng tính từ vị trí thứ 11 của Stoke. Tuy nhiên, trên thực tế, danh sách ứng cử viên không quá đông đảo như vậy. Ngoại trừ Portsmouth coi như đã bị số phận an bài, hai suất xuống hạng còn lại là quả bom đang chẳng ai muốn nhận giữa Hull, Burnley, Wolves, West Ham và Wigan. Những Bolton, Sunderland, Blackburn chưa thực sự an toàn. Song nếu không quá suy sụp trong chặng cuối mùa giải này, họ đủ sức ở lại với Premier League.

So với “tam mã” tranh đỉnh cao, “tứ mã” mơ Champions League thì cuộc đua “ngũ mã” tìm cửa sống này cũng gay cấn không kém.

Tình thế hoàn toàn có thể thay đổi nhanh chóng bởi khoảng cách mong manh lúc này giữa các đội. Đơn cử như Wigan. Cách đây không lâu còn bị coi là một cái tên báo động đỏ sau mạch trận kém cỏi thì chỉ một chiến thắng 1-0 trước Liverpool gần đây đã giúp hy vọng hồi sinh được củng cố mạnh mẽ.

Chính vì thế, cuộc chạy trốn tử thần này cũng hứa hẹn hồi hộp chẳng kém các cuộc đua tốp trên và có lẽ sẽ phải chờ đến phút chót mới hạ màn.

Từ Portsmouth đến... M.U

Chỉ một cái tên lúc này đã sớm đứng ngoài cuộc với số phận an bài: đó là Portsmouth. Dù còn sống là còn hy vọng, dù huấn luyện viên Avram Grant có nói đến quyết tâm sẽ chiến đấu tới cùng, họ dường như đã không còn một cơ hội nào nữa.

Portsmouth cũng không thi đấu cuối tuần này. Họ chỉ tiếp tục phần còn lại nhọc nhằn của mùa giải bằng chuyến đi tới Anfield giữa tuần sau. Nhưng thất bại 1-2 ngay tại Fratton Park trước Birmingham vừa qua coi như là dấu chấm hết cho mọi hy vọng của Portsmouth. Họ đứng chót bảng, kém Hull phía trên 5 điểm và ngoài ra còn 9 điểm phạt đang lơ lửng.

Ban tổ chức Premier League chưa thông báo gì về án phạt điểm này nên Portsmouth chịu sức ép tinh thần không nhỏ như Grant thừa nhận. Dĩ nhiên, họ chẳng còn lòng dạ nào thi đấu hết mình trước viễn cảnh sẽ là công cốc. Mà án phạt này chắc chắn sẽ có bởi theo quy định của Premier League, câu lạc bộ nào bị rơi vào tình trạng chịu quản chế tài chính sẽ bị trừ 9 điểm.

Tháng trước, Portsmouth đã “vinh dự” trở thành câu lạc bộ đầu tiên của Premier League bị quản chế tài chính, một giải pháp nhằm cứu vãn tránh cho đội bóng phá sản bởi khoản nợ 78 triệu bảng.

Nỗi đau khốn khó tiếp tục kéo dài khi mới đây, Portsmouth ngậm ngùi sa thải 85 nhân viên câu lạc bộ trong các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”. Có một chuyện đáng buồn là trong khi hàng chục nhân viên mất việc như vậy, chỉ có vẻn vẹn 2 cầu thủ trong số hàng chục cầu thủ nhận lương 60-80.000 bảng/tuần tỏ ý sẵn sàng giảm lương giúp câu lạc bộ ở thời điểm gian nan.

Bài học Portsmouth là lời cảnh tỉnh cho Premier League song dường như nó có phần bị bỏ qua, thờ ơ. Bóng đá Anh đang cố vui vẻ với thành công của M.U, của Arsenal ở Champions League như để quên đi hiểm họa đáng báo động. Nhưng ngay cả ở M.U, mọi chuyện hậu trường cũng không hề ngọt ngào như những chiến thắng trên sân cỏ.

Show diễn hoành tráng của Wayne Rooney và các đồng đội ở Old Trafford trước AC Milan có phần lu mờ trước sự kiện David Beckham quàng lên cổ chiếc khăn vàng xanh, một hành động được xem như thể hiện sự ủng hộ của cựu danh thủ này với phong trào chống đối những ông chủ Mỹ hiện nay.

Và khi diễn biến trên sân cỏ chẳng mấy hào hứng trước việc M.U quá lấn lướt và sớm định đoạt kết cục, các camera chủ yếu tập trung lên khán đài, nơi tràn ngập màu vàng xanh thay cho màu đỏ quen thuộc cùng những biểu ngữ: “Yêu M.U, ghét Glazer”.

Xét về nợ nần, 78 triệu bảng của Portsmouth chỉ bằng 1/10 khoản nợ M.U đang gánh gồng hiện nay. Xét về quản lý, sự lộn xộn 4 ông chủ ngoại trong một năm của Portsmouth chỉ tương đương làn sóng công kích mà nhà Glazer đang phải hứng chịu.

Tất nhiên, tình thế của hai câu lạc bộ khác xa nhau. Chẳng bao giờ M.U có thể phá sản cả vì bất cứ lúc nào, nhà Glazer cũng dễ dàng bán lại câu lạc bộ để trả hết nợ nần và thậm chí còn lãi to. Song, bất ổn sẽ đến với M.U nếu phong trào phản đối hiện nay tiếp tục lan rộng.

Lúc này, 2/3 số người mua vé trọn mùa của M.U tại Old Trafford cho biết họ đang cân nhắc không móc tay vào túi nữa kể từ mùa giải tới để phản đối nhà Glazer “hút máu”. Họ có lý. Mùa giải này, M.U là đội duy nhất ở Premier League tăng giá vé trọn mùa.

Từ khi nhà Glazer nắm câu lạc bộ, trong 5 năm qua, giá vé trọn mùa của M.U đã tăng từ mức trung bình 487 bảng lên 722 bảng năm nay. Năm ngoái, lần đầu tiên trong lịch sử M.U, người ta thấy tình trạng câu lạc bộ rao bán giá vé trọn mùa trong khi trước đây thường thì danh sách xếp hàng dài dằng dặc và rất khó khăn mới mua được.

Sự lộn xộn ở M.U, ở Liverpool và nỗi đau của Portsmouth đang đặt Premier League trước thử thách không nhỏ về quản lý. Làn sóng chủ ngoại thời gian qua góp phần không nhỏ giúp giải đấu này trở nên hùng mạnh nhưng giờ bắt đầu là những tác động ngược. Khi các tổ chức như UEFA sắp sửa siết chặt hơn quy định về tài chính, Premier League cần nhanh chóng giải được bài toán này trước khi quá muộn./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục