Phát biểu tại buổi tiếp Đoàn đại biểu người có công với cách mạng tỉnh Kon Tum vào chiều 17/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh để có được độc lập của non sông, thống nhất của đất nước, tự do của dân tộc, lớp lớp cha anh đã không tiếc máu xương và sinh mạng của mình, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, cống hiến to lớn về sức người, sức của cho non sông, đất nước Việt Nam.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ công ơn và có chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Theo Phó Thủ tướng, với phương châm “không để người thực sự có công mà không được xem xét công nhận và thụ hưởng chính sách,” cả hệ thống chính trị có trách nhiệm, cùng vào cuộc và quan tâm đến đời sống của người có công, gia đình chính sách.
Việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công và thân nhân người có công ngày càng đi vào chiều sâu, giải quyết các vấn đề khó, cốt lõi, nhất là những vấn đề còn tồn đọng qua nhiều năm, nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ.
Hằng năm, Nhà nước đều ưu tiên nguồn lực để thực hiện việc điều chỉnh mức trợ cấp, phụ cấp đối với người có công với cách mạng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội. Trong giai đoạn 2016-2020, Nhà nước dành hơn 11.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở đối với gần 400.000 hộ người có công có khó khăn về nhà ở.
Hằng năm, Chủ tịch nước dành hơn 900 tỷ đồng tặng quà cho người có công nhân dịp Tết Nguyên đán và dịp kỷ niệm Ngày thương binh-liệt sỹ.
Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, các phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng," ủng hộ quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng. Cùng với đó là hỗ trợ trong vay vốn đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người có công với cách mạng...
[Tuổi trẻ cả nước tri ân các anh hùng liệt sỹ, người có công]
Những hoạt động này đã huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước giúp cho đời sống của gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện. Nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ đã có ý chí vươn lên, tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Là tỉnh nghèo, đất rộng, người thưa (diện tích đứng thứ 8/63 tỉnh/thành phố; dân số đứng thứ 61/63 và thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 53/63) và là tỉnh có vị trí địa chiến lược ở Tây Nguyên và cả nước, với hơn 28 dân tộc anh em sinh sống, Kon Tum có số lượng người có công với cách mạng chiếm gần 30% dân số (trên 51.000 người).
Phó Thủ tướng ghi nhận việc tỉnh tiến hành xác lập hồ sơ, tiếp nhận và giải quyết chế độ cho số lượng lớn người có công là sự nỗ lực rất lớn, để đến nay, các gia đình chính sách, người có công với cách mạng đã có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, mặc dù ngân sách hạn hẹp nhưng Kon Tum đã tổ chức tốt việc rà soát, lập danh sách hỗ trợ đối với trên 4.500 người có công và thân nhân gặp khó khăn do dịch bệnh, với kinh phí hỗ trợ gần 7 tỷ đồng.
Đánh giá cao và biểu dương nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Kon Turn trong việc quan tâm, chăm lo thực hiện chế độ chính sách đối với người có công, thể hiện sâu sắc truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và phong trào “đền ơn đáp nghĩa,” Phó Thủ tướng mong muốn người có công và thân nhân người có công tỉnh Kon Tum tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, ý chí của người chiến sỹ cộng sản, truyền thống gia đình, nêu gương sáng cho thế hệ trẻ và con cháu, cùng cả nước hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên của Đoàn tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh, thôn, xóm, khu phố văn minh, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, văn minh và phát triển, không để xảy ra tình trạng buôn bán, xuất-nhập cảnh trái phép; chú trọng công tác phòng, chống dịch COVID-19, đưa Kon Tum thành điểm sáng của vùng Tây Nguyên./.