QH Đức ủng hộ tăng Quỹ ổn định tài chính châu Âu

Ngày 26/10, Quốc hội Đức ra nghị quyết thông qua đề nghị về cơ chế đòn bẩy, cho phép có thể tăng Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF).
Ngày 26/10, với 503 phiếu thuận, 89 phiếu chống và 4 phiếu trắng, Quốc hội Đức đã thông qua đề nghị về cơ chế đòn bẩy, cho phép có thể tăng Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF).

Nghị quyết của Quốc hội cho rằng với việc cải cách EFSF, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không cần phải tiếp tục mua các khoản nợ của các nước đang gặp khó khăn, đồng thời loại trừ việc cấp kinh phí cho EFSF từ tiền của ECB.

Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ Đức thúc đẩy việc ban hành thuế giao dịch tài chính trong Liên minh châu Âu (EU).

Nghị quyết này của Quốc hội sẽ hậu thuẫn cho Thủ tướng Angela Merkel trong các cuộc đàm phán tại Hội nghị thượng đỉnh EU tối 26/10 ở Brussels (Bỉ) xung quanh mô hình cứu trợ Hy Lạp và các quốc gia khác gặp khó khăn trong cuộc khủng hoảng nợ.

Đọc Tuyên bố Chính phủ trước đó tại Quốc hội, Thủ tướng Merkel khẳng định việc bảo vệ và giữ gìn những thành tựu của châu Âu là một nghĩa vụ lịch sử, bởi vì "đồng ơrô thất bại thì châu Âu sẽ thất bại, và điều này không được phép xảy ra."

Bà cũng tuyên bố ngay trong năm nay Đức sẽ thúc đẩy việc sửa đổi Hiệp ước EU. Bà thừa nhận rằng việc tăng cường EFSF sẽ có thêm nguy cơ rủi ro đối với nước Đức, nhưng sẽ là vô trách nhiệm nếu không chấp nhận nguy cơ rủi ro này.

Sáng 26/10, cuộc họp của 27 Bộ trưởng Tài chính EU để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra tối cùng ngày đã bị hoãn.

Ba Lan, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, đã đưa ra thông báo vào phút chót và nêu rõ lý do là “thiếu tiến triển trong các cuộc thương lượng nhằm mở rộng EFSF trong bối cảnh vấn đề nợ của khối đang gia tăng.”

Theo giới ngoại giao, có thể EU phải mất vài ngày để hoàn tất một thỏa thuận chính thức.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang xem xét việc tham gia một cơ chế đầu tư đặc biệt, được đề xuất cho EFSF./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục