Ngày 24/10, Quốc hội thảo luận ở tổ cả ngày về tình hình kinh tế xã hội năm 2013-2014, tuy nhiên, bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu lại dành nhiều "tâm tư" xung quanh Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.
Đa số các đại biểu đều nhận định, việc tái cơ cấu ba lĩnh vực ưu tiên (tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và ngân hàng) diễn ra tương đối chậm so với yêu cầu, các giải pháp thực hiện vẫn mang tính hành chính và ở khung cơ chế, chưa có những thay đổi mang tính đột phá.
Mặc dù vậy, các đại biểu cũng thừa nhận, những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án tuy mới là bước đầu, nhưng có ý nghĩa quan trọng.
Tái cơ cấu đầu tư công: Vẫn chờ phê duyệt
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, với tái cơ cấu đầu tư công, tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đã giảm tương đối nhanh, từ mức 54,3% thời kỳ 1999-2000, xuống 51,8% thời kỳ 2001-2005, xuống 38,7% thời kỳ 2006-2010, còn 37,4% thời kỳ 2011-2012 và ở mức 37,1% trong 9 tháng 2013.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, tái cơ cấu đầu tư công thời gian qua, những dự án trọng điểm đã được ưu tiên, đầu tư xã hội cũng hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra rằng, đến nay Chính phủ chưa phê duyệt đề án toàn diện tái cơ cấu đầu tư công. Tái cơ cấu đầu tư công chỉ thực hiện theo Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, là giải pháp mang tính chất tình huống và ngắn hạn.
Đáng chú ý là các dự án luật được cho là rất cần để hoàn thiện thể chế, nhất là Luật Đầu tư công, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Đồng quan điểm, đại biểu Võ Thị Dung (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cũng nhấn mạnh, cần phải phê duyệt ngay Đề án tái cơ cấu đầu tư công thì các địa phương mới có căn cứ để thực hiện hiệu quả.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Trần Du Lịch cũng cho rằng, để tái cơ cấu đầu tư công thành công thì hệ thống pháp luật, thể chế và ngân sách cần phải hoàn thiện hơn. Ví dụ, đầu tư công, muốn giải quyết cơ bản phải thay đổi về ngân sách, dự án nào thuộc Trung ương, địa phương là phải minh bạch.
Bên cạnh đó, vai trò kiểm soát ngân sách của Trung ương, của Quốc hội, vai trò kiểm soát ngân sách của địa phương, của Hội đồng nhân dân... phải xử lý đồng bộ như vậy thì mới có thể nâng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Tái cơ cấu doanh nghiệp: Rời rạc
Tính đến tháng 8/2013, Thủ tướng đã phê duyệt 100/101 đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2011-2015, song việc triển khai thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được Ủy ban Kinh tế đánh giá là chưa có tính chiến lược, còn rời rạc.
Ủy ban cho rằng việc tái cơ cấu này vẫn chủ yếu là chuyển giao nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các doanh nghiệp nhà nước, chưa tạo ra động lực và áp lực để buộc các doanh nghiệp nhà nước đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, theo đánh giá tại báo cáo là diễn ra chậm, cả năm 2013 mới tiến hành được 25 doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp nhà nước thoái vốn khỏi những ngành nghề không phải là ngành nghề chính còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện thị trường chứng khoán không thuận lợi, có một số cổ phiếu niêm yết thấp hơn mệnh giá hoặc giá hiện tại thấp hơn thời điểm doanh nghiệp mua cổ phần nên ảnh hưởng đến việc thoái vốn.
Về vấn đề này, ông Ngân cho rằng, ai cũng sợ trách nhiệm thì sao thoái được vốn?. "Các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư ngoài ngành phải chấp nhận thiệt hại để ngăn chặn lỗ. Không thể chờ đến khi thị trường chứng khoán phục hồi rồi chúng ta mới đẩy mạnh thoái vốn là sai. Vì cho dù thị trường phục hồi mà công ty đó thua lỗ thì trái phiếu đó cũng không thể bán được. Phải nghĩ đến chuyện cắt lỗ và chi phí cơ hội. Lúc đó, doanh nghiệp mới thoái được vốn tập trung vào ngành nghề chính của mình," ông Ngân nhấn mạnh.
Ông Ngân đề nghị thêm, cần phải bổ sung tái cơ cấu các doanh nghiệp dân doanh nhưng cần có chính sách hỗ trợ, vì khu vực này chiếm tới 40% tổng đầu tư nền kinh tế. Nếu không có chính sách tái cơ cấu khu vực này thì dù có nới đầu tư công, tăng đầu tư Nhà nước thì nền kinh tế không đạt được tốc độ như mình mong muốn.
"Khu vực dân doanh chiếm 40% tổng đầu tư toàn xã hội, nếu mình làm không khéo thì nền kinh tế lại lệ thuộc vào nước ngoài. Hiện nay, đầu tư nước ngoài đang tăng dần lên. Nếu lệ thuộc thì quá nguy hiểm. Họ vào đây vì tìm thấy lợi nhuận, tài nguyên của mình. Đến lúc sử dụng hết thì họ lại đi. Chính vì vậy, cần phải bổ sung chính sách hỗ trợ để tái cơ cấu khu vực này càng sớm càng tốt," vị đại biểu này nhấn mạnh.
Tái cơ cấu ngân hàng: Chậm
Việc 8/9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém đã được tái cơ cấu sáp nhập được các đại biểu đánh giá là tương đối tốt. Nguy cơ đổ vỡ không còn, thanh khoản đã giải quyết, một số ngân hàng sáp nhập đã tương đối ổn định.
Việc Ngân hàng Nhà nước đưa Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đi vào hoạt động cũng được ghi nhận.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho biết, kết quả tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém vẫn chưa đáp ứng theo mục tiêu của Đề án tái cơ cấu là tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính, củng cố năng lực hoạt động của các ngân hàng thương mại, nâng cao trật tự kỷ cương và nguyên tắc thị trường hóa hoạt động ngân hàng.
Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, một trong những nguyên nhân đang làm khó việc tái cơ cấu ngân hàng là vấn đề sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng vẫn chưa được hạn chế và kiểm soát hiệu quả, ảnh hưởng đến sự lành mạnh trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, các chi phí khác liên quan đến việc thực hiện những giải pháp tái cơ cấu của chính các ngân hàng như chi phí đánh giá chất lượng tài sản; sắp xếp lại; nâng cao năng lực quản trị, hoạt động của các ngân hàng; chi phí thoái vốn, rút khỏi lĩnh vực đầu tư phi tài chính… cũng chưa được đề cập đến.
Ông Lịch nhấn mạnh, mục tiêu ngành ngân hàng là phải làm lành mạnh hóa hệ thống và giảm số lượng, nâng chất lượng, đặc biệt là thành lập một số ngân hàng tầm quốc tế, có khả năng hội nhập.
Đa số các đại biểu đều nghi ngờ 3 lĩnh vực này sẽ không đạt được yêu cầu như Nghị quyết Trung ương 3 đưa ra, chính vì vậy mà cần xử lý và mổ sẻ cho rõ ràng hơn.
Đại biểu Vũ Viết Ngoạn (đoàn Khánh Hòa) nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu, tạo tâm lý yên tâm ở trong và ngoài nước cho các nhà đầu tư. Chúng ta có tái cơ cấu cụ thể hơn, mang lại hiệu quả rõ ràng hơn thì mới nâng cao năng suất lao động. Lúc đó, mới hấp dẫn được khu vực tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài mới tham gia vào, còn nhà nước chỉ bỏ vốn hỗ trợ trong lúc khó khăn./.
Đa số các đại biểu đều nhận định, việc tái cơ cấu ba lĩnh vực ưu tiên (tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và ngân hàng) diễn ra tương đối chậm so với yêu cầu, các giải pháp thực hiện vẫn mang tính hành chính và ở khung cơ chế, chưa có những thay đổi mang tính đột phá.
Mặc dù vậy, các đại biểu cũng thừa nhận, những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án tuy mới là bước đầu, nhưng có ý nghĩa quan trọng.
Tái cơ cấu đầu tư công: Vẫn chờ phê duyệt
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, với tái cơ cấu đầu tư công, tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đã giảm tương đối nhanh, từ mức 54,3% thời kỳ 1999-2000, xuống 51,8% thời kỳ 2001-2005, xuống 38,7% thời kỳ 2006-2010, còn 37,4% thời kỳ 2011-2012 và ở mức 37,1% trong 9 tháng 2013.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, tái cơ cấu đầu tư công thời gian qua, những dự án trọng điểm đã được ưu tiên, đầu tư xã hội cũng hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra rằng, đến nay Chính phủ chưa phê duyệt đề án toàn diện tái cơ cấu đầu tư công. Tái cơ cấu đầu tư công chỉ thực hiện theo Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, là giải pháp mang tính chất tình huống và ngắn hạn.
Đáng chú ý là các dự án luật được cho là rất cần để hoàn thiện thể chế, nhất là Luật Đầu tư công, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Đồng quan điểm, đại biểu Võ Thị Dung (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cũng nhấn mạnh, cần phải phê duyệt ngay Đề án tái cơ cấu đầu tư công thì các địa phương mới có căn cứ để thực hiện hiệu quả.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Trần Du Lịch cũng cho rằng, để tái cơ cấu đầu tư công thành công thì hệ thống pháp luật, thể chế và ngân sách cần phải hoàn thiện hơn. Ví dụ, đầu tư công, muốn giải quyết cơ bản phải thay đổi về ngân sách, dự án nào thuộc Trung ương, địa phương là phải minh bạch.
Bên cạnh đó, vai trò kiểm soát ngân sách của Trung ương, của Quốc hội, vai trò kiểm soát ngân sách của địa phương, của Hội đồng nhân dân... phải xử lý đồng bộ như vậy thì mới có thể nâng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Tái cơ cấu doanh nghiệp: Rời rạc
Tính đến tháng 8/2013, Thủ tướng đã phê duyệt 100/101 đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2011-2015, song việc triển khai thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được Ủy ban Kinh tế đánh giá là chưa có tính chiến lược, còn rời rạc.
Ủy ban cho rằng việc tái cơ cấu này vẫn chủ yếu là chuyển giao nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các doanh nghiệp nhà nước, chưa tạo ra động lực và áp lực để buộc các doanh nghiệp nhà nước đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, theo đánh giá tại báo cáo là diễn ra chậm, cả năm 2013 mới tiến hành được 25 doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp nhà nước thoái vốn khỏi những ngành nghề không phải là ngành nghề chính còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện thị trường chứng khoán không thuận lợi, có một số cổ phiếu niêm yết thấp hơn mệnh giá hoặc giá hiện tại thấp hơn thời điểm doanh nghiệp mua cổ phần nên ảnh hưởng đến việc thoái vốn.
Về vấn đề này, ông Ngân cho rằng, ai cũng sợ trách nhiệm thì sao thoái được vốn?. "Các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư ngoài ngành phải chấp nhận thiệt hại để ngăn chặn lỗ. Không thể chờ đến khi thị trường chứng khoán phục hồi rồi chúng ta mới đẩy mạnh thoái vốn là sai. Vì cho dù thị trường phục hồi mà công ty đó thua lỗ thì trái phiếu đó cũng không thể bán được. Phải nghĩ đến chuyện cắt lỗ và chi phí cơ hội. Lúc đó, doanh nghiệp mới thoái được vốn tập trung vào ngành nghề chính của mình," ông Ngân nhấn mạnh.
Ông Ngân đề nghị thêm, cần phải bổ sung tái cơ cấu các doanh nghiệp dân doanh nhưng cần có chính sách hỗ trợ, vì khu vực này chiếm tới 40% tổng đầu tư nền kinh tế. Nếu không có chính sách tái cơ cấu khu vực này thì dù có nới đầu tư công, tăng đầu tư Nhà nước thì nền kinh tế không đạt được tốc độ như mình mong muốn.
"Khu vực dân doanh chiếm 40% tổng đầu tư toàn xã hội, nếu mình làm không khéo thì nền kinh tế lại lệ thuộc vào nước ngoài. Hiện nay, đầu tư nước ngoài đang tăng dần lên. Nếu lệ thuộc thì quá nguy hiểm. Họ vào đây vì tìm thấy lợi nhuận, tài nguyên của mình. Đến lúc sử dụng hết thì họ lại đi. Chính vì vậy, cần phải bổ sung chính sách hỗ trợ để tái cơ cấu khu vực này càng sớm càng tốt," vị đại biểu này nhấn mạnh.
Tái cơ cấu ngân hàng: Chậm
Việc 8/9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém đã được tái cơ cấu sáp nhập được các đại biểu đánh giá là tương đối tốt. Nguy cơ đổ vỡ không còn, thanh khoản đã giải quyết, một số ngân hàng sáp nhập đã tương đối ổn định.
Việc Ngân hàng Nhà nước đưa Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đi vào hoạt động cũng được ghi nhận.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho biết, kết quả tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém vẫn chưa đáp ứng theo mục tiêu của Đề án tái cơ cấu là tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính, củng cố năng lực hoạt động của các ngân hàng thương mại, nâng cao trật tự kỷ cương và nguyên tắc thị trường hóa hoạt động ngân hàng.
Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, một trong những nguyên nhân đang làm khó việc tái cơ cấu ngân hàng là vấn đề sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng vẫn chưa được hạn chế và kiểm soát hiệu quả, ảnh hưởng đến sự lành mạnh trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, các chi phí khác liên quan đến việc thực hiện những giải pháp tái cơ cấu của chính các ngân hàng như chi phí đánh giá chất lượng tài sản; sắp xếp lại; nâng cao năng lực quản trị, hoạt động của các ngân hàng; chi phí thoái vốn, rút khỏi lĩnh vực đầu tư phi tài chính… cũng chưa được đề cập đến.
Ông Lịch nhấn mạnh, mục tiêu ngành ngân hàng là phải làm lành mạnh hóa hệ thống và giảm số lượng, nâng chất lượng, đặc biệt là thành lập một số ngân hàng tầm quốc tế, có khả năng hội nhập.
Đa số các đại biểu đều nghi ngờ 3 lĩnh vực này sẽ không đạt được yêu cầu như Nghị quyết Trung ương 3 đưa ra, chính vì vậy mà cần xử lý và mổ sẻ cho rõ ràng hơn.
Đại biểu Vũ Viết Ngoạn (đoàn Khánh Hòa) nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu, tạo tâm lý yên tâm ở trong và ngoài nước cho các nhà đầu tư. Chúng ta có tái cơ cấu cụ thể hơn, mang lại hiệu quả rõ ràng hơn thì mới nâng cao năng suất lao động. Lúc đó, mới hấp dẫn được khu vực tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài mới tham gia vào, còn nhà nước chỉ bỏ vốn hỗ trợ trong lúc khó khăn./.
Minh Thúy (Vietnam+)