Quan điểm của Đảng về mở rộng hợp tác và giao lưu văn hóa

Đảng xác định quan điểm chỉ đạo: “Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác.”
Quan điểm của Đảng về mở rộng hợp tác và giao lưu văn hóa ảnh 1Trẻ em dân tộc H’Mông (bản Hang Kia, Pà Cò) tung tăng đi chơi trong trang phục truyền thống sặc sỡ trong ngày Tết của đồng bào dân tộc H'Mông. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Ban Chấp hành Trung ương khóa XI xác định, một trong sáu nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa là chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại nhằm không ngừng tiếp biến văn hóa của các quốc gia trên thế giới, làm giàu cho văn hóa dân tộc.

Bởi lẽ “không giữ được bản sắc văn hóa dân tộc - đó là điều vô cùng nguy hiểm. Mặt khác, nhấn mạnh bản sắc dân tộc không có nghĩa là bài ngoại, trái lại phải tiếp thu có chọn lọc tất cả những tinh hoa văn hóa thế giới, làm cho những giá trị đó hòa quyện với bản sắc dân tộc” (1).

Kết hợp chặt chẽ yếu tố dân tộc và thời đại trong phát triển văn hóa là một vấn đề mang tính nguyên tắc và có tầm chiến lược.

Trong lịch sử dân tộc, văn hóa Việt Nam từng có nhiều cuộc đụng độ, giao thoa với các nền văn hóa lớn trên thế giới như văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, Pháp, Mỹ, Liên Xô...

Trong quá trình giao lưu, tiếp xúc với các nền văn hóa khác, văn hóa Việt Nam không những không bị đồng hóa mà ngày càng tỏ rõ sức sống và tạo nên những giá trị độc đáo dựa trên năng lực vừa tự nuôi dưỡng văn hóa bản địa, vừa tiếp nhận, chọn lọc những giá trị tốt đẹp của văn hóa phương Đông và phương Tây.

Kế thừa và phát huy những hệ giá trị ấy, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng mở rộng giao lưu, tiếp thụ tinh hoa văn hóa toàn nhân loại. Trong quá trình xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam, Hồ Chí Minh chủ trương, một mặt “phải phát triển những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”, mặt khác “phải hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới.”

Nền văn hóa đó vừa kết tinh, vừa nâng lên một tầm cao mới những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu có chọn lọc những thành tựu văn hóa tiến bộ của loài người trên nền tảng tinh hoa văn hóa dân tộc.

Quan điểm của Đảng về mở rộng hợp tác và giao lưu văn hóa ảnh 2Chủ tịch Hồ Chí Minh - ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để tiếp thu những thành tựu, tinh hoa của các giá trị văn hóa bên ngoài mà vẫn giữ được chủ quyền và bản sắc văn hóa dân tộc, làm đậm đà hơn cốt cách, tâm hồn dân tộc trong quá trình giao lưu, tiếp nhận văn hóa, Đảng chỉ rõ: “phải đặc biệt quan tâm giữ gìn và nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức, tập quán tốt đẹp và lòng tự hào dân tộc. Tiếp thu tinh hoa của các dân tộc trên thế giới, làm giàu đẹp thêm văn hóa Việt Nam” (2).

Đường lối đổi mới, mở cửa tạo điều kiện để văn hóa Việt Nam tiếp xúc, giao lưu, tiếp biến với tất cả sự phong phú, đa dạng và tính phức tạp của văn hóa các dân tộc, các vùng, các châu lục. Trong bối cảnh đó, bảo đảm sự thống nhất biện chứng giữa yếu tố nội sinh và yếu tố ngoại sinh trong giao lưu văn hóa là điều kiện tiên quyết để văn hóa dân tộc tồn tại và phát triển.

Trong đó, yếu tố nội sinh về văn hóa phải giữ vai trò quyết định. Bởi lẽ, nội lực của dân tộc càng mạnh thì chúng ta càng có nhiều cơ hội và khả năng tiếp nhận, chọn lọc các giá trị văn hóa nhân loại, đồng thời có đủ bản lĩnh, trình độ để “đồng hóa” các yếu tố ngoại sinh trở thành chính văn hóa dân tộc, thành chất xúc tác cho sự phát triển hiện đại hơn nền văn hóa dân tộc.

Nhận thức sâu sắc vấn đề này, trong quá trình lãnh đạo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng xác định quan điểm chỉ đạo: “Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác” (3).

Việc mở rộng cửa đón nhận các giá trị tốt đẹp của văn hóa thế giới trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau sẽ góp phần bổ khuyết những thiếu hụt trong hệ giá trị văn hóa của mình.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm lâu dài của lịch sử dân tộc, Đảng chỉ rõ, trong giao lưu, tiếp biến văn hóa, bản sắc dân tộc đóng vai trò quyết định như là “bộ lọc” để chiết xuất, kết tụ tinh hoa văn hóa toàn nhân loại. Thông qua hội nhập và giao lưu văn hóa sẽ góp phần làm phong phú, hiện đại, làm đậm đà và bền vững thêm bản sắc dân tộc.

Trong giao lưu văn hóa có sự hòa nhập và lựa chọn, tiếp thu và phát triển. Văn hóa của từng khu vực, dân tộc có thể tìm thấy những quy luật phổ biến, những tiếng nói chung, nhưng cũng có những quy luật đặc thù, những tiếng nói riêng. Vì thế, Đảng khẳng định, trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa phải biết nâng những cái mạnh của hai mặt tương tác, để chúng hỗ trợ, tác động lẫn nhau, không triệt tiêu nhau, không làm mất đi những vẻ đẹp riêng.

Văn hóa nhân loại sẽ đa dạng, phong phú khi văn hóa của các dân tộc hòa quyện với bản sắc riêng của từng nền văn hóa mỗi quốc gia. Hay nói cách khác, cái chung của toàn nhân loại chỉ được thể hiện qua cái riêng của từng dân tộc. Quy luật này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng trong việc xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam.

Quan điểm của Đảng về mở rộng hợp tác và giao lưu văn hóa ảnh 3Bàu Trắng là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Bình Thuận. Trong những năm tới, Đảng và Chính phủ xác định đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu cũng như khả năng cạnh tranh và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GDP. (Ảnh: TTXVN)

Bản chất tốt đẹp của giao lưu văn hóa là sự đối thoại bình đẳng và rộng mở. Chính sự đối thoại cởi mở và bình đẳng là nguồn lực tạo ra sự phong phú và tính độc đáo của mỗi nền văn hóa. Nhận thức sâu sắc và vận dụng một cách chủ động quy luật đặc thù này, Đảng và Nhà nước ta kiên trì nguyên tắc hợp tác bình đẳng, đối thoại cởi mở để vừa cho và vừa nhận văn hóa.

Trong bối cảnh mới, đi đôi với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế thông qua nhiều phương thức hợp tác đa dạng, phong phú nhằm giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với thế giới và tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và các công trình, tác phẩm văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của nhân loại, góp phần hình thành những giá trị văn hóa hóa mới, để làm giàu đẹp và phong phú nền văn hóa dân tộc./.

--------------------

Chú thích:
(1) Đào Duy Tùng: Quá trình hình thành con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, trang 166.
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, trang 111.
(3) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, trang 56.

(Tạp chí Cộng sản)

Tin cùng chuyên mục