Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Thiếu tướng, phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam với nhan đề: "Quân đội nhân dân Việt Nam: Sản phẩm của sự kế thừa, phát triển tư tưởng quân sự dân tộc trong thời đại mới."
Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc.
Kế thừa, phát huy, vận dụng sáng tạo tư tưởng quân sự truyền thống của dân tộc, Quân đội ta ngày một lớn mạnh, trưởng thành, thực sự là nòng cốt của chiến tranh nhân dân Việt Nam và nền quốc phòng toàn dân trong thời đại mới.
Quân đội nhân dân Việt Nam kế thừa, phát triển nghệ thuật tổ chức lực lượng vũ trang độc đáo, sáng tạo của dân tộc
Xuất phát từ tư tưởng toàn dân đánh giặc, trăm họ đều là binh, Tổ tiên ta đã hình thành, phát triển nghệ thuật tổ chức lực lượng gồm nhiều thứ quân, mang tính nhân dân rộng rãi. Trong hoàn cảnh phải thường xuyên chống giặc ngoại xâm, từ thời Đinh, Tiền Lê, quân đội từng bước được kiện toàn, chính quy hóa, gắn tổ chức quân sự với tổ chức đơn vị hành chính.
Thời Đại Việt, cùng với tổ chức quân triều đình gồm bộ binh, kỵ binh, tượng binh, thủy binh, còn có quân các lộ, phủ, châu (quân địa phương).
Quân triều đình do nhà nước quản lý, có nhiệm vụ cơ động khắp cả nước, phối hợp với lực lượng tại chỗ tổ chức những trận đánh quyết định. Quân địa phương, do các quan địa phương quản lý, nhiệm vụ chủ yếu là chiến đấu ngay tại địa phương, khi cần thiết, nhà nước có thể điều động để bổ sung cho quân triều đình hoặc các lộ khác.
Bên cạnh quân đội, lực lượng dân binh do địa phương quản lý, làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ các làng, bản và tham gia chiến đấu trong đạo quân các lộ hoặc hợp sức với quân triều đình đánh giặc. Đặc biệt, nhờ thực hiện quốc sách “ngụ binh ư nông,” nước Đại Việt vừa có quân thường trực tinh nhuệ, vừa có lực lượng dự bị hùng hậu nằm trong các địa phương. Hình thức tổ chức này làm cho quân đội mang tính nhân dân, nằm trong nhân dân, gắn liền với sản xuất, ở đâu có dân là ở đó có quân.
Tiếp thu truyền thống “tận dân vi binh” của dân tộc, vận dụng sáng tạo học thuyết quân sự mác xít về vũ trang quần chúng và xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản, ngay trong Luận cương chính trị năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương “vũ trang cho công nông,” “tổ chức ra quân đội công nông.”
Thời kỳ tiền khởi nghĩa, trên cơ sở phong trào chính trị quần chúng phát triển rộng khắp, Đảng từng bước xây dựng các đội tự vệ, du kích, từ đó lựa chọn những người ưu tú, các quần chúng tích cực để tổ chức ra đội quân chủ lực đầu tiên, từng bước phát triển, làm nòng cốt để phát triển lực lượng vũ trang rộng khắp.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược từ 1945 đến 1975, tư tưởng về tổ chức lực lượng vũ trang đã được kế thừa, phát triển, nâng cao về chất trong tổ chức ba thứ quân.
Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương hợp thành Quân đội nhân dân. Bộ đội chủ lực thực hiện nhiệm vụ tác chiến trên chiến trường cả nước; trên mỗi vùng chiến lược hoặc địa bàn mỗi quân khu, tiến hành các trận đánh, chiến dịch lớn, làm chuyển biến cục diện chiến trường. Bộ đội địa phương góp phần tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân, đánh địch ở mọi nơi, mọi lúc, tiêu hao và tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, bảo vệ địa phương; căng kéo lực lượng địch, tạo điều kiện cho lực lượng chủ lực cơ động đánh lớn. Dân quân du kích, tự vệ là tổ chức vũ trang của quần chúng cách mạng; là “bức tường sắt của Tổ quốc”. Ba thứ quân có mối quan hệ mật thiết, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Cách tổ chức ba thứ quân thể hiện đậm nét tính nhân dân của lực lượng vũ trang do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng, lãnh đạo. Thành công trong việc xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, nòng cốt là quân đội nhân dân; là cơ sở quan trọng để Đảng phát huy thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân vững mạnh.
Thế trận đó cho phép chúng ta phát triển mạnh mẽ chiến tranh du kích ở địa phương làm chỗ dựa vững chắc cho chiến tranh chính quy của bộ đội chủ lực. Thế trận đó cho phép chúng ta thực hiện chiến tranh chính quy bằng các binh đoàn chủ lực kết hợp chặt chẽ với các hoạt động tác chiến của lực lượng tại chỗ của bộ đội địa phương và dân quân du kích, với chiến tranh nhân dân địa phương, phong trào toàn dân đánh giặc và phong trào đấu tranh chính trị của đông đảo quần chúng, tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh bại quân xâm lược.
Coi trọng xây dựng quân đội “cốt tinh, không cốt nhiều”
Trong lịch sử, dân tộc ta đã giải quyết “việc binh” rất sáng tạo với quan điểm “Quân cốt tinh, không cốt nhiều.” Điểm đặc sắc ông cha ta luôn khẳng định sức mạnh của quân đội là sức mạnh của nhiều yếu tố hợp thành, nhưng con người luôn được đặt lên hàng đầu; xem đó là gốc để xây dựng, nâng cao sức mạnh chiến đấu cho quân đội.
Do đó, cùng với giáo dục lòng nhân nghĩa, “trung quân, ái quốc,” tinh thần xả thân vì nước, những người lãnh đạo đất nước, chỉ huy quân đội thời kỳ phong kiến luôn biết khơi sâu lòng căm thù giặc, động viên tướng sỹ đoàn kết, chung sức, đồng lòng đánh giặc vì nghĩa lớn; vì chính quyền lợi của bản thân và gia đình họ, từ đó nâng cao ý chí quyết chiến quyết thắng giặc ngoại xâm.
Để có được đội quân “cốt tinh, không cốt nhiều” ấy nhà Trần đặc biệt chú trọng xây dựng tinh thần “Sát Thát,” sẵn sàng hy sinh vì nước. Lê Lợi - Nguyễn Trãi thực hiện “Vỗ nuôi sĩ tốt, vời đón hiền giả, thu dụng nhân tài, sửa rèn binh giới, luyện tập binh tượng, dạy bảo phép ngồi đứng tiến lui, lại hun đúc những điều nhân nghĩa” nên đã xây dựng được đội ngũ tướng lĩnh “hết lòng thành, thân với kẻ trên, chết cho người dưới,” “dám bỏ mình báo nước.”
Vua Lê Thánh Tông đặc biệt coi trọng giáo dục tướng sỹ phải làm tròn bổn phận “trên vì vua, dưới vì dân, cáng đáng trách nhiệm yên nguy của xã tắc.” Quang Trung động viên tướng sỹ noi gương các vị anh hùng dân tộc, quyết tâm đánh giặc giữ nước với ý chí “đánh là thắng”.
Để xây dựng quân đội “tinh nhuệ,” làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, dân tộc ta hết sức coi trọng nâng cao năng lực làm chủ kỹ thuật, chiến thuật cho tướng sỹ bằng nhiều hình thức phong phú như tập dượt bắn cung, đấu gươm, phóng lao, cưỡi ngựa...; mở các cuộc tập trận, thao diễn lớn để rèn luyện cách bày trận, phá trận; luyện tập hợp đồng tác chiến giữa quân thủy và quân bộ; huấn luyện cách đánh thành, tập kích, tiến công, mai phục...
Nhờ phát huy nhân tố con người, coi trọng giáo dục chính trị - tinh thần, trong nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, dù có hạn chế về quân số, vũ khí trang bị, nhưng dân tộc ta vẫn chiến thắng được những kẻ thù xâm lược có quân đông, vũ khí tốt hơn.
Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội của dân, do dân và vì dân, mang trong mình khát vọng cháy bỏng của toàn dân tộc về một nền độc lập, tự do; về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân là bản chất và trở thành truyền thống của quân đội ta, biểu hiện cả trong chiến đấu, công tác, lao động sản xuất và làm nghĩa vụ quốc tế. Bất cứ việc gì mang lợi ích cho dân thì quân đội hết sức làm, bất cứ việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh.
Sức mạnh của quân đội là sức mạnh tổng hợp của nhiều nhân tố; trong đó yếu tố chính trị - tinh thần là cơ bản nhất. Để xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, Đảng từng bước phát triển hoàn chỉnh hệ thống tổ chức, cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội; coi công tác đảng, công tác chính trị là “linh hồn, mạch sống” của quân đội; giải quyết đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ giữa con người và vũ khí; chăm lo củng cố, giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của quân đội; tích cực giáo dục quan điểm, đường lối của Đảng, tình hình và nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội; giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bồi dưỡng lòng yêu nước, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, kiên trì con đường cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn…
Lý luận và thực tiễn xây dựng quân đội đã khẳng định, chỉ có chăm lo xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị - tinh thần thì quân đội mới thực sự là công cụ bạo lực vũ trang; lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhà nước, với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, hoàn thành tốt chức năng và mọi nhiệm vụ được giao.
Cùng với chăm lo xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác huấn luyện quân sự. Trong kháng chiến, với phương châm vừa tác chiến, vừa huấn luyện, bộ đội ta đã sử dụng thành thạo các loại vũ khí trang bị từ thô sơ đến hiện đại, thành thạo kỹ thuật, chiến thuật trong các loại hình tác chiến.
Nội dung huấn luyện mang tính cơ bản, ngày càng toàn diện, luôn bám sát thực tiễn chiến đấu, phù hợp với nhiệm vụ của từng thứ quân, từng quân chủng và binh chủng; coi trọng học tập kinh nghiệm truyền thống, đồng thời học tập có chọn lọc kinh nghiệm của các nước anh em. Sự trưởng thành về trình độ chỉ huy của đội ngũ cán bộ và sự tiến bộ về kỹ thuật chiến đấu cơ bản của bộ đội là điều kiện quan trọng để chúng ta phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Xây dựng quân đội có kỷ luật tự giác nghiêm minh, đoàn kết nội bộ, gắn bó máu thịt với nhân dân
Nét nổi bật trong xây dựng quân đội của dân tộc ta là hết sức coi trọng kỷ luật quân đội, xây dựng tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng giữa đội ngũ tướng lĩnh với binh sĩ, giữa binh sĩ với nhau; thực hiện đoàn kết quân dân. Để giữ nghiêm quân ngũ, nhiều triều đại đã ban hành luật lệ và quy định về kỷ luật, thưởng phạt trong quân đội, định rõ hình thức thưởng phạt đối với tướng sỹ. Về xây dựng đoàn kết quân đội, Trần Quốc Tuấn đúc kết: "Có thu được quân lính như cha con một nhà thì mới dùng được.
Nguyễn Huệ nêu quan điểm: “Quân lính cốt hòa thuận, không cốt đông,” tướng sỹ “huynh đệ chi binh,” đồng lòng quyết chiến, quyết thắng quân giặc. Để xây dựng mối quan hệ “phụ tử chi binh”, các nhà cầm quân một mặt chăm lo đời sống của quân sỹ, “lo cái lo của quân sỹ, đau cái đau của quân sỹ”; chăm lo giáo dục quân sỹ tinh thần đồng cam cộng khổ, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, nguy hiểm. Những người đứng đầu quân đội còn quan tâm xây dựng tinh thần đoàn kết quân dân.
Thế kỷ XIII, Trần Quốc Tuấn đã đưa ra quy định: “các tướng sỹ ai nấy phải cần giữ phép tắc, đi đến đâu không được quấy nhiễu dân”. Trong cuộc kháng chiến chống Minh, những người đứng đầu nghĩa quân luôn dạy quân sỹ “những điều nhân nghĩa,” đồng thời đặt ra quy định rất nghiêm ngặt đối với binh lính khi tiếp xúc với dân. Lê Lợi, Nguyễn Huệ đều ra lệnh quân sỹ tuyệt đối không được đụng chạm, tơ hào của cải của dân. Chính vì thế, đi đến đâu, nghĩa quân Lam Sơn và nghĩa quân Tây Sơn cũng nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ và tham gia tích cực của đông đảo nhân dân.
Kế thừa truyền thống đó, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm xây dựng tinh thần dân chủ, kỷ luật, đoàn kết cho bộ đội. Kỷ luật là sức mạnh của quân đội, đề cao kỷ luật trên cơ sở tự giác, “kỷ luật trong dân chủ, dân chủ phải có kỷ luật.” Phải đoàn kết chặt chẽ giữa cán bộ với chiến sỹ; cán bộ phải quan tâm chăm sóc và đồng cam cộng khổ với chiến sỹ. Cán bộ phải thương yêu chiến sỹ.
“Cán bộ có thân đội viên như chân tay, thì đội viên mới thân cán bộ như ruột thịt. Có như thế thì chỉ thị, mệnh lệnh và kế hoạch cấp trên đưa xuống, đội viên sẽ tích cực và triệt để thi hành” (1). Đoàn kết nội bộ quân đội là yếu tố tạo thành sức mạnh và là nguồn gốc mọi chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thấm nhuần sâu sắc truyền thống dân tộc “nước lấy dân làm gốc,” Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò, vị trí của nhân dân, coi nhân dân là nền tảng, cội nguồn sức mạnh của các lực lượng vũ trang. Quân với dân như “cá với nước” chính là hình ảnh khái quát từ bản chất và trên thực tế mối quan hệ gắn bó máu thịt quân-dân.
Trong mối quan hệ đó, dân là gốc, là nền tảng, là khởi nguồn cho sự ra đời và phát triển của quân đội; quân đội là một bộ phận không thể tách rời của nhân dân, được xây dựng, chiến đấu và trưởng thành trên cơ sở lực lượng chính trị và phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân; là lực lượng nòng cốt cho toàn dân đánh giặc.
Có thực hiện tốt “đoàn kết quân dân,” “quân dân một ý chí” thì bộ đội mới có những điều kiện mang tính nền tảng trong sinh hoạt, công tác và chiến đấu, mới có sức mạnh hoàn thành chức năng, nhiệm vụ. Cách xa dân, không dựa vào dân, không liên hệ mật thiết với dân thì nhất định thất bại.
Thực tiễn chỉ rõ, nơi nào có cơ sở quần chúng vững mạnh thì nơi đó lực lượng vũ trang nhân dân có điều kiện thuận lợi để hoạt động. Có cơ sở quần chúng vững mạnh làm chỗ dựa, thì ngay trong lòng địch, lực lượng vũ trang vẫn có thể tồn tại, vượt qua mọi khó khăn thử thách, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
Trong thử thách ác liệt của chiến tranh, nhân dân không chỉ đùm bọc, chở che cho bộ đội, mà còn sát cánh cùng bộ đội đánh giặc. Nhân dân là lực lượng tại chỗ hùng hậu, tạo sức mạnh trong nổi dậy phá tề, trừ gian, phá âm mưu bình định của địch.
Nhân dân là "tai, mắt,” "chân, tay" cung cấp cho bộ đội tin tức về địch, làm thông tin liên lạc, dẫn đường, xây dựng trận địa cho các đơn vị chiến đấu; vận tải đạn dược, vũ khí, lương thực, thuốc men, tải thương, cứu chữa, chăm sóc, nuôi dưỡng thương binh… 70 năm qua, nhờ biết dựa vào dân, đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, quân đội ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến thắng những kẻ thù hung bạo.
Trong xây dựng quân đội, dân tộc ta rất coi trọng xây dựng đội ngũ tướng lĩnh tài, đức
Từ quan điểm “Binh lấy tướng làm gốc, quân lấy tướng làm chủ,” các triều đại đều chú trọng “Chọn dùng tướng giỏi” (Bạt dụng lương tướng) với các tiêu chí Nhân, Nghĩa, Tín, Trí, Tài, Cương, Nghiêm.
Do đó, việc đào luyện, tuyển chọn, bổ nhiệm các tướng lĩnh được các triều đại tiến hành nghiêm ngặt, chú trọng cả hai mặt đức và tài, nhằm tạo ra một đội ngũ tướng lĩnh chỉ huy quân đội vừa trung thành, vừa có tài cầm quân.
Để đào luyện tướng lĩnh, các triều đại còn lập Điện Giảng Võ (thời Lý), Giảng Võ Đường, Xạ Đình (thời Trần) như những trường học quân sự cấp cao để vua cùng các vương hầu, tướng lĩnh học binh thư, binh pháp, học cách bày trận và phá trận.
Thời Trần và Lê Sơ, ở Thăng Long có các trường bắn, bãi tập, trường đua… để rèn luyện các võ quan, tướng lĩnh. Nhờ tuyển chọn và đào luyện tướng lĩnh rất nghiêm ngặt, dưới các triều đại phong kiến đã xuất hiện nhiều danh tướng lỗi lạc, có tài cầm quân và giáo huấn quân sỹ.
Kế thừa và phát huy di sản dân tộc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng trung thành, mưu lược làm nòng cốt để xây dựng quân đội. Xuất phát từ quan điểm “Tướng giỏi thì nước mạnh. Tướng xoàng thì nước hèn”(2), “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(3), Đảng đặc biệt coi trọng phát hiện và trọng dụng cán bộ qua thử thách trong huấn luyện, chiến đấu. Người cán bộ phải không ngừng học tập, rèn luyện phẩm chất: “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung.”
Đạo đức cách mạng của người cán bộ quân đội là tuyệt đối “trung với nước, hiếu với dân”, suốt đời phấn đấu cho mục tiêu lý tưởng của Đảng; hết lòng phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Người cán bộ phải có ý chí mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm, thông thạo công việc để thực hiện đường lối của Đảng, nhiệm vụ của quân đội; có trình độ hiểu biết chủ nghĩa Mác-Lênin và khoa học quân sự, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn; nắm vững đường lối chính sách của Đảng, có trình độ chiến thuật, kỹ thuật để chỉ huy bộ đội; có khả năng tổng kết thực tiễn để góp phần cụ thể hóa, bổ sung chủ trương, đường lối quân sự của Đảng. Trong lãnh đạo chỉ huy, người cán bộ phải có tác phong dân chủ, tôn trọng tập thể, đoàn kết gắn bó với cán bộ và chiến sỹ như ruột thịt.
Được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm lo bồi dưỡng, giáo dục toàn diện, đội ngũ cán bộ quân đội không ngừng trưởng thành. Nhiều tướng lĩnh đức độ, tài ba xuất hiện, có cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp giải phóng, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quân đội.
Quân đội nhân dân Việt Nam kế thừa, phát triển nghệ thuật đánh giặc độc đáo của dân tộc
Trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, trên cơ sở biết mình, biết người, dân tộc ta đều quán triệt tư tưởng “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn”, coi trọng yếu tố bí mật, bất ngờ cả về hướng, mục tiêu tiến công, lực lượng, thời gian và cách đánh. Tùy từng hoàn cảnh, từng đối tượng tác chiến cụ thể để lựa chọn lối đánh rất linh hoạt, luôn “quyền biến như đánh cờ, tùy cơ ứng biến.”
Có khi từ tác chiến du kích từng bước chuyển lên tác chiến tập trung, thực hành phản công hoặc tiến công lớn; có khi kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, tạo điều kiện giành thắng lợi quyết định trong những trận quyết chiến chiến lược; có khi đánh lớn ngay từ đầu, giành thắng lợi, nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Có những hình thức đánh nhỏ bằng lực lượng tinh nhuệ như cách đánh của Yết Kiêu, Dã Tượng; lại có những hình thức đánh lớn như các trận Bạch Đằng, Vạn Kiếp, Đống Đa...
Kế thừa truyền thống quân sự dân tộc và tiếp thu tinh hoa quân sự thế giới, trong các cuộc chiến tranh giải phóng, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, quân đội ta luôn quán triệt tư tưởng “kiên quyết không ngừng thế tiến công,” luôn giành, giữ thế chủ động tiến công địch từ nhỏ đến lớn, từ cục bộ đến toàn bộ; kết hợp tác chiến của lực lượng tại chỗ với tác chiến của lực lượng cơ động; kết hợp tác chiến phân tán và tác chiến tập trung; kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn để tiêu hao, tiêu diệt địch; kết hợp tác chiến của các binh đoàn chủ lực với chiến tranh nhân dân địa phương; kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng, mở rộng quyền làm chủ trên cả ba vùng chiến lược; tiến công địch bằng ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận)… Khi đã tạo được thế và lực hơn địch thì chớp thời cơ, tổ chức những đòn tiến công quy mô lớn, thực hiện những trận quyết chiến chiến lược, đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của đối phương.
Trong từng trận đánh, trong mỗi chiến dịch, gắn với địa bàn và đối tượng tác chiến cụ thể, các hình thức chiến thuật được quân đội ta vận dụng hết sức linh hoạt, sáng tạo. Trong chiến đấu, quân đội ta không ngừng phát triển và hoàn thiện các chiến thuật: phục kích, tập kích, đánh vận động, vây lấn, tiến công trận địa, đánh điểm, diệt viện, đánh địch trong công sự vững chắc kiểu cứ điểm, cụm cứ điểm và tập đoàn cứ điểm, vận động tiến công kết hợp chốt, đánh giao thông, đánh kho tàng, hậu cứ, phòng ngự trận địa, phòng ngự dã chiến, chiến thuật binh chủng hợp thành…
Ngoài ra, còn có những cách đánh rất đặc biệt. Đó lối đánh giặc của lực lượng đặc công (trên bộ và dưới nước) và lực lượng biệt động. Sự phát triển cao trong cách đánh đặc công và biệt động là một nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự “lấy ít địch nhiều” trong thời hiện đại, “thể hiện tập trung khí phách anh hùng và trí tuệ Việt Nam, một hiện tượng quân sự ít thấy trong binh thư của nhiều nước trên thế giới”(4).
Nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh là đỉnh cao của tinh thần lấy trí thông minh, tinh thần anh dũng để chiến thắng vũ khí hiện đại của địch, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông; quyết chiến quyết thắng, biết đánh và biết thắng.
Tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ” là danh hiệu cao quý được nhân dân trao tặng cho quân đội, gắn với hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu. Đó là hình tượng tập trung những phẩm chất, truyền thống tốt đẹp nhất của cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam, thể hiện bản chất cách mạng, lý tưởng chiến đấu của quân đội kiểu mới từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khái quát truyền thống của Quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Cán bộ chiến sỹ thương yêu nhau như ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi.
Quân với dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi giúp đỡ lẫn nhau”(5). Đó là hệ giá trị kết tinh từ truyền thống quân sự dân tộc, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển trong thời đại mới.
Gìn giữ và tiếp tục phát huy những giá trị đó vào thực tiễn xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” là yêu cầu khách quan trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
(1). Hồ Chí Minh: Những bài viết và nói về quân sự, tập 1, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985, tr. 367.
(2). Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 519.
(3). Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 269.
(4). Ban chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975- Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2000, tr 293.
(5). Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 11, sdd, tr 350.