Quan hệ Australia-Ấn Độ: Triển vọng và thách thức

Trong hơn một thập kỷ, Australia và Ấn Độ đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược rộng rãi, được thúc đẩy bởi mối quan ngại chung về Trung Quốc.
Quan hệ Australia-Ấn Độ: Triển vọng và thách thức ảnh 1

Rất ít mối quan hệ của Australia với các nước ở châu Á tiến triển nhanh như mối quan hệ của nước này với Ấn Độ.

Trong hơn một thập kỷ, Canberra và New Delhi đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược rộng rãi, được thúc đẩy bởi mối quan ngại chung về Trung Quốc.

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến gần đây giữa Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là một trong những bằng chứng rõ nét về sự phát triển mạnh mẽ quan hệ Australia-Ấn Độ.

Bài phân tích của chuyên gia Ian Hall, Phó Giám đốc Viện Griffith châu Á thuộc Đại học Griffith (Australia), trên trang mạng The Conversation ngày 28/3 đã đưa ra một số đánh giá đáng chú ý.

[Australia, Ấn Độ thúc đẩy hợp tác quốc phòng về hậu cần, công nghệ]

Trong cuộc gặp trực tuyến gần đây, Thủ tướng Morrison và Thủ tướng Modi đã thể hiện sự gần gũi và thân mật trong mối quan hệ.

Trong khi ông Morrison chào Thủ tướng Modi bằng tiếng Gujarat - ngôn ngữ quê hương của ông Modi, thì nhà lãnh đạo Ấn Độ đã gọi Thủ tướng Australia bằng tên gọi thân mật "Scott."

Trong cuộc thảo luận, hai bên đã công bố 11 thỏa thuận về các vấn đề như trao đổi sỹ quan quân đội, điều chỉnh thuế đối với quỹ lương hưu và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho lao động có tay nghề cao và nhiều thỏa thuận quan trọng khác.

Vượt qua những điểm bất đồng

Tuy nhiên, một hiệp ước được nhiều người mong đợi đã không được công bố, đó là thỏa thuận thương mại tự do mang tên Thỏa thuận Hợp tác Kinh tế Toàn diện (CECA). Trước đó, Australia và Ấn Độ đã đàm phán CECA trong hơn một thập kỷ.

Nguyên nhân của những vướng mắc trong đàm phán thương mại xuất phát từ quan điểm của hai bên.

Trong khi một Australia theo đuổi tự do thương mại muốn mở rộng thị trường cho các mặt hàng nông sản, thì một Ấn Độ theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ thương mại và muốn bảo vệ những người nông dân phải đối mặt với nguy cơ có thể không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu của Australia. Đây là một vấn đề khó giải quyết bởi bất kỳ chính phủ Ấn Độ nào muốn lên nắm quyền đều phụ thuộc vào lá phiếu của nông dân, những người chiếm hơn một nửa dân số.

Bên cạnh đó, những khác biệt về quan điểm liên quan đến cuộc tấn công của Nga vào Ukraine cũng làm "phủ bóng" lên cuộc gặp trực tuyến Morrison-Modi.

Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga, đã không công khai chỉ trích Nga và không bỏ phiếu chống lại Moskva tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Về vấn đề này, có thể lý giải rằng Ấn Độ đang bị ràng buộc khi New Delhi cần vũ khí của Nga để tự vệ trước Trung Quốc. Việc giải thoát New Delhi khỏi tình trạng khó khăn này cần thời gian, sự đầu tư và định hướng lại chiến lược của Ấn Độ cũng như các biện pháp ngoại giao thận trọng của các nước đối tác, trong đó có Australia.

Chính vì lý do đó, Thủ tướng Australia cũng như Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật Bản hạn chế công khai chỉ trích ông Modi về việc Ấn Độ không đưa ra những lời chỉ trích trực tiếp về cuộc chiến ở Ukraine.

Mối quan ngại chung về Trung Quốc

Trên thực tế, Australia và Ấn Độ đã có nhiều thành công trong hợp tác quốc phòng, an ninh và chính trị, ngoại giao trong những năm gần đây.

Australia và Ấn Độ có những lợi ích chồng chéo tập trung vào kiểm soát những hành động quyết đoán của Trung Quốc trên toàn khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mối quan ngại của New Delhi về Trung Quốc đã có từ rất lâu và quy mô của mối đe dọa mà Bắc Kinh có thể gây ra cho Ấn Độ cũng lớn hơn nhiều so với Australia.

Năm 1947, Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ, để lại cho họ đối mặt với một khu vực biên giới phía Bắc đầy bất ổn. Tình hình nghiêm trọng hơn khi vài năm sau đó, Trung Quốc tấn công chiếm Tây Tạng, khu vực được coi là vùng đệm đối với Ấn Độ. Kể từ thời điểm đó, Trung Quốc và Ấn Độ luôn cảnh giác trước các hoạt động của nhau và thường xuyên xảy ra xung đột.

Hai bên đã xảy ra chiến tranh biên giới vào năm 1962, một cuộc đối đầu quy mô lớn vào năm 1986-1987 và một cuộc xung đột căng thẳng vào năm năm 2020.

Kể từ giữa những năm 2000, các nhà lãnh đạo của Ấn Độ đã tìm kiếm các đối tác tiềm năng mới để đầu tư vào nền kinh tế của mình, tăng cường khả năng quân sự hơn nữa và củng cố ảnh hưởng trong khu vực, trong đó bao gồm việc gia nhập Nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ).

Trong khi đó, quan hệ của Australia và Trung Quốc lại hoàn toàn khác. Trong giai đoạn những năm 1990 và 2000, Canberra chỉ nhìn thấy cơ hội hợp tác và lợi ích kinh tế từ Trung Quốc.

Nền kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh và nhu cầu tài nguyên thiên nhiên đã thúc đẩy Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Tuy nhiên, sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã xảy ra và Trung Quốc đã chuyển hướng sang một chiến lược địa chính trị quyết đoán hơn cùng với giọng điệu dân tộc chủ nghĩa, đặc biệt là trong Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Do đó, Australia bắt đầu thể hiện mối quan tâm mới đối với Ấn Độ. Năm 2009, Thủ tướng Kevin Rudd đã đến New Delhi và ký một thỏa thuận an ninh mới Australia-Ấn Độ, tiếp theo là các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại và việc Australia gỡ bỏ lệnh cấm bán urani cho Ấn Độ.

Canberra đã thông qua khái niệm mới bao gồm Ấn Độ để mô tả khu vực - Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Họ cũng bắt đầu nghiêm túc xây dựng các mối quan hệ quốc phòng và an ninh mới với New Delhi. Trong hơn một thập kỷ trôi qua, trong lúc Bắc Kinh không cho thấy dấu hiệu họ sẽ giảm bớt áp lực với Australia và Ấn Độ, quan hệ Australia-Ấn Độ ngày càng phát triển.

Australia và Ấn Độ hiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó bao gồm chống khủng bố, khai thác và tinh chế các khoáng sản quan trọng, an ninh mạng, tài trợ cơ sở hạ tầng, an ninh hàng hải, thăm dò vũ trụ, nghiên cứu chiến lược, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, các dự án năng lượng bền vững và sản xuất vaccine.

Ngoài ra, hai nước cũng cam kết mở rộng khía cạnh hợp tác kinh tế. Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn thứ bảy của Australia, nhưng có tiềm năng thúc đẩy các trao đổi hàng hóa, dịch vụ và đầu tư song phương.

Những vấn đề tồn tại

Australia và Ấn Độ còn rất nhiều việc phải làm như hoàn tất thỏa thuận CECA vào cuối năm 2022. Bên cạnh đó, hợp tác quốc phòng song phương ở Ấn Độ Dương liên quan đến việc Australia tiếp cận các căn cứ trên quần đảo Andaman và Nicoba vẫn chưa được xác định.

Ngoài ra, cả hai quốc gia cũng cần đầu tư vào việc nâng cao hiểu biết của cộng đồng hai nước. Các chuyến thăm cấp cao giữa Ấn Độ và Australia còn hạn chế, và hiện còn thiếu các học giả và nhà phân tích về quan hệ Australia-Ấn Độ trong các viện nghiên cứu và trường đại học của Australia và Ấn Độ.

Australia và Ấn Độ đã thấu hiểu nhau hơn so với chỉ một thập kỷ trước, điều cho phép hai nước quản lý tốt hơn những khác biệt trong các vấn đề như Ukraine. Tuy nhiên, hai nước cần phải làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy quan hệ song phương phát triển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục