Quản lý, khai thác hiệu quả sản vật, sản phẩm biển

Tăng cường công tác quản lý và khai thác sản vật, sản phẩm biển vừa hiệu quả, vừa có tính bền vững là vấn đề cấp bách hiện nay.
Với lợi thế về vị trí địa lý và bề dày lịch sử, biển Việt Nam không chỉ có vai trò địa chính trị trọng yếu, mà còn có vị trí kinh tế quan trọng với nguồn sản vật và sản phẩm phong phú và đa dạng.

Vấn đề đặt ra hiện nay là tăng cường công tác quản lý và khai thác sản vật, sản phẩm biển vừa hiệu quả, vừa có tính bền vững và thân thiện với môi trường.

Tài nguyên biển rất lớn


Theo đánh giá của Phó giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn Văn Cư, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, tiềm năng tài nguyên biển của Việt Nam rất lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, đặc biệt là dầu khí, hải sản và giao thông vận tải thủy.

Hiện trong vùng biển Việt Nam có khoảng 35 loại hình khoáng sản có quy mô trữ lượng khai thác khác nhau từ nhỏ đến lớn, thuộc các nhóm nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và bán đá quý, khoáng sản lỏng.

Nguồn dầu khí đã thăm dò, khảo sát có trữ lượng khoảng 2-4 tỷ tấn dầu quy đổi; dọc ven biển cũng đã phát hiện các sa khoáng, khoáng vật nặng và 50.000-60.000ha ruộng muối.

Đặc biệt, sự phát hiện mới đây ở vùng cát ven biển và biển ven bờ Nam Trung Bộ cho thấy trữ lượng các sa khoáng nói trên có thể đứng đầu thế giới. Sản lượng khai thác Inmeenit từ các sa khoáng ven biển cả nước lên tới 220.000 tấn/năm, Ziacoon 1.500 tấn/năm. Gần đây, một số mỏ cát dưới đáy biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Sóc Trăng... với trữ lượng hàng nghìn tỷ tấn đã được phát hiện.

Nguồn lợi hải sản trong vùng biển Việt Nam với trữ lượng khoảng 5 triệu tấn, khả năng cho phép đánh bắt 2,3 triệu tấn/năm. Dọc ven biển có hơn 800.000ha bãi triều và các đầm, vịnh, phá rất thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, có giá trị xuất khẩu cao như tôm, cua, trai ngọc, cá mú, rong câu... để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản ở ven bờ quy mô lớn, hiện đại và toàn diện, tạo ra nguồn hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn, ổn định và khả năng cạnh tranh cao.

Dọc bờ biển Việt Nam có trên 50% số đô thị lớn, có trên 100 điểm có thể xây dựng cảng, trong đó có nơi có thể xây dựng được cảng trung chuyển quốc tế, cảng nước sâu; nhiều đảo có tiềm năng phát triển kinh tế cao với tư cách là khu hậu cần cho khai thác biển xa bờ. Việt Nam cũng có hơn 125 bãi biển lớn nhỏ có cảnh quan đẹp, trong đó có 20 bãi biển đủ tiêu chuẩn quốc tế để phát triển các loại hình du lịch biển.

Tuy vậy, do nhận thức còn hạn hẹp nên sản vật và sản phẩm biển do Việt Nam tạo ra chưa thực sự theo hướng thân thiện với môi trường. Hiện trạng môi trường biển đang bị ô nhiễm với hàm lượng dầu trong nước biển ở một số khu vực đã đến mức đáng báo động; hệ sinh thái rạn san hô và thảm cỏ biển, rừng ngập mặn bị suy giảm nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Tổng cục Biển và Hải đảo, hiện diện tích thảm cỏ biển của Việt Nam bị giảm tới 40-60% do tai biến thiên nhiên, nạn lấn biển để xây dựng các ao nuôi trồng thủy sản và các công trình ven biển. Nếu như năm 1943 cả nước có tới 408.500ha rừng ngập mặn thì đến năm 2007 chỉ còn 209.741ha.

Giải pháp quản lý

Để quản lý và khai thác hiệu quả sản vật, sản phẩm biển theo hướng xây dựng nên "Thương hiệu Biển Việt Nam," trước hết cần đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về lĩnh vực tài nguyên và môi trường biển, hải đảo nói chung và pháp luật quy định các vấn đề liên quan đến thương hiệu sản vật, sản phẩm biển thân thiện đến môi trường.

Việt Nam nên khẩn trương triển khai xây dựng quy hoạch sử dụng tổng hợp tài nguyên và bảo vệ biển và hải đảo ở cấp khác nhau đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở đó phân bổ nguồn lực và điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các ngành, địa phương, nhằm tiến tới chấm dứt việc khai thác biển, đảo và vùng ven biển một cách tự phát như lâu nay, góp phần giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng tài nguyên các vùng biển, ven biển và hải đảo, tạo ra nhiều hơn nữa thương hiệu sản vật, sản phẩm biển Việt Nam thân thiện với môi trường.

Vấn đề mang tính cấp bách nhất hiện nay là phải quản lý và xử lý hiệu quả các chất thải, chất gây ô nhiễm trước khi đổ ra biển ở các lưu vực sông và từ các hoạt động kinh tế biển; tăng cường kiểm soát và sẵn sàng ứng cứu các sự cố môi trường biển, các vụ tràn dầu không rõ nguồn gốc... Mặt khác, cần ngăn ngừa suy thoái và có biện pháp phù hợp phục hồi các hệ sinh thái quan trọng như rạn san hô, rừng ngập mặn và thảm cỏ biển.

Nhà nước sớm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn về môi trường biển, kiểm soát ô nhiễm, hệ thống cấp và thu hồi giấy phép cho thuê, sử dụng biển, đảo, đi đôi với việc phải cương quyết giảm số lượng tàu thuyền đánh bắt cá nhỏ, tổ chức lại đội hình đánh bắt hải sản và tăng cường hiệu suất khai thác, tạo sự lan tỏa sản phẩm biển Việt Nam thân thiện với môi trường.

Đồng thời, việc chủ động nghiên cứu các tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đến vùng ven biển, biển và hải đảo, qua đó đề xuất giải pháp thích ứng tạo ra được thương hiệu sản vật, sản phẩm biển của Việt Nam cũng rất cần thiết. Bên cạnh công tác tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế, xây dựng chiến lược phát triển và quảng bá thương hiệu, cộng đồng cư dân sống ven biển, trên các đảo và cộng đồng cả nước nói chung đóng vai trò rất quan trọng trong quản lý, khai thác sản vật, sản phẩm biển một cách bền vững./.

Văn Hào (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục