Tại Đại hội cổ đông thường niên 2016 của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết, tổng tài sản năm 2015 của VPBank đạt 193.876 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cuối năm 2014, đạt 95% kế hoạch đặt ra.
Bên cạnh đó, tiền gửi của khách hàng đạt 130.271 tỷ đồng, tăng ròng hơn gần 22.000 tỷ đồng (tương đương tăng 20%) so với năm 2014. Tổng nguồn vốn huy động và phát hành giấy tờ có giá năm 2015 đạt 152 tỷ đồng, đạt 109% so với kế hoạch đặt ra.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2015 của VPBank đạt 3.096 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 92% so với năm 2014, đạt 124% kế hoạch đề ra. Tổng thu hoạt động thuần đạt 12.066 tỷ đồng, tăng trưởng 92% so với năm trước nhờ đóng góp chủ yếu từ thu lãi và thu từ hoạt động dịch vụ. Thu nhập ròng từ hoạt động dịch vụ đạt 885 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2014. Tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập thuần giảm từ 59% năm 2014 xuống còn 47% năm 2015. Con số về nợ xấu năm 2015 được giữ ở mức 2,7%.
Ông Vinh chia sẻ: “VPBank đã có sự tăng trưởng nóng thời gian qua nhưng đó là điều hợp lý khi ngân hàng trải qua 3 năm xây dựng nền tảng, bộ máy và hệ thống công nghệ, quản trị rủi ro… đã tạo đà, cho phép ngân hàng tăng trưởng và bảo đảm hoạt động an toàn.”
Vị CEO nhà băng này đã không nói chơi khi Báo cáo thường niên 2015 của Ngân hàng đã cho thấy chi tiết chính sách quản lý rủi ro tài chính, xương sống cốt lõi góp phần mang lại sự tăng trưởng tại VPBank là khung quản lý rủi ro bao gồm: Hội đồng quản trị có trách nhiệm chung trong việc thiết lập và giám sát tình hình thực hiện một khuôn khổ quản lý rủi ro thống nhất của ngân hàng.
“Trong năm 2015, VPBank đã có những chuyển biến mang tính chất bản lề trong việc chuyển đổi công tác quản trị rủi ro với hàng loạt sự thay đổi và cải tiến về mặt lượng và chất. Và Basel II là một trong những dự án trọng điểm mà Khối Quản trị rủi ro đang triển khai nhằm thay đổi toàn diện hệ thống quản trị, phục vụ hiệu quả nhất cho công tác phát triển kinh doanh trên cơ sở chuẩn mực và thông lệ quốc tế cũng như yêu cầu tuân thủ của Ngân hàng Nhà nước,” ông Vinh cho biết.
Được biết, hệ thống quản lý rủi ro tín dụng của VPBank được vận hành theo nguyên tắc độc lập và tập trung hóa. Theo đó, công tác xây dựng chính sách rủi ro, xác định giới hạn rủi ro và kiểm soát rủi ro được thực hiện độc lập và tập trung tại khối Quản trị rủi ro. Các báo cáo của Khối Quản trị rủi ro là cơ sở để Ủy ban Quản lý rủi ro ban hành các quyết định tín dụng quan trọng.
Cụ thể hơn, đó là việc áp dụng các thẻ điểm (scorecard) cho từng phân khúc khách hàng khác nhau và từng sản phẩm; áp dụng hệ thống cảnh báo rủi ro tín dụng sớm (EWS) chuyên sâu hơn theo phân khúc khách hàng SME và khách hàng cá nhân…
Ông Vinh chia sẻ thêm, với việc tuyển dụng chuyên gia giàu kinh nghiệm về quản trị rủi ro thị trường, VPBank đã thành công trong việc xây dựng nền tảng quản trị rủi ro thị trường theo mô hình chung của thế giới như áp dụng hệ thống cảnh báo rủi ro tín dụng sớm cho khách hàng định chế tài chính, xây dựng bộ quy tắc chính sách khối thị trường tài chính. Bên cạnh đó, công tác quản trị rủi ro hoạt động của ngân hàng đã đạt được nhiều bước tiến đáng khích lệ với việc nâng cấp thành Trung tâm rủi ro hoạt động.
Mặc dù kết quả kinh doanh năm 2015 nổi trội nhưng Ban lãnh đạo VPBank cũng hết sức thận trọng trong việc đặt kế hoạch kinh doanh năm 2016. Cụ thể, năm 2016 là năm thay đổi cơ bản đầu tư vào hệ thống, áp dụng vào quản trị rủi ro nên Đại hội cổ đông đã thông qua kế hoạch tổng tài sản dự kiến 246.223 tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng 171.017 tỷ đồng, trong đó, cho vay khách hàng là 156.358 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; lợi nhuận trước thuế 3.200 tỷ đồng.
“Mức tăng trưởng năm 2016 hợp lý, giúp ngân hàng thận trọng hơn trong lựa chọn khách hàng và tăng cường số dư dự phòng rủi ro, để đảm bảo VPBank có thể đối phó mọi tình huống khủng hoảng trên thị trường tài chính,” ông Vinh lý giải cho việc đưa ra các con số trên./.