Quảng Bình chi hơn 82 tỷ đồng cho giảm phát thải khí nhà kính

Đối tượng được chi trả giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh Quảng Bình gồm trên 10.700 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng; 16 chủ rừng là tổ chức; 71 Ủy ban Nhân dân cấp xã...

Ảnh minh họa. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Tỉnh Quảng Bình vừa có Quyết định về việc phê duyệt đối tượng hưởng lợi và kế hoạch tài chính năm 2023 nguồn thu tạm ứng từ Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Quảng Bình (ERPA) của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh.

Đối tượng được chi trả giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh Quảng Bình gồm trên 10.700 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng; 16 chủ rừng là tổ chức; 71 Ủy ban Nhân dân cấp xã và 9 tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng.

Tổng kinh phí chi trả trong năm 2023 là trên 82,4 tỷ đồng, trong đó kinh phí tạm trích tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh là trên 2,4 tỷ đồng và kinh phí tạm chi trả cho các đối tượng hưởng lợi là trên 80 tỷ đồng.

Định mức chi đối với khoán bảo vệ rừng bằng mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho khoán bảo vệ rừng theo chính sách hiện hành áp dụng trên địa bàn.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt kế hoạch tài chính ERPA cho các đơn vị chủ rừng trực thuộc, chủ rừng là tổ chức kinh tế không do Nhà nước thành lập.

Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thông báo số tiền chi trả cho chủ rừng là tổ chức, Ủy ban Nhân dân cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng; đồng thời chịu trách nhiệm chi trả nguồn ERPA cho đối tượng hưởng lợi theo đúng quy định hiện hành.

Ngày 28/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP, về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (bán tín chỉ carbon) và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ; trong đó có tỉnh Quảng Bình.

Quảng Bình có diện tích rừng tương đối lớn với trên 590.000 ha; trong đó, có trên 469.000 ha rừng tự nhiên và trên 120.000 ha rừng trồng; tỷ lệ che phủ rừng đứng thứ hai cả nước (68,69%), trữ lượng và chất lượng rừng khá cao.

Tỉnh có nhiều lợi thế cạnh tranh, tiềm năng và cơ hội lớn khi tham gia vào thị trường tín chỉ carbon trong nước và quốc tế, qua đó vừa đạt được mục tiêu bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh một cách bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục