Quảng Nam bổ sung quy hoạch 4 dự án thủy điện tại Nam Trà My

Tổng vốn bốn thủy điện vừa và nhỏ Trà Linh 1, Tăk Lê, Nước Lah, Trà Leng tại huyện Nam Trà My dự kiến được đầu tư khoảng 2.700 tỷ đồng, suất vốn đầu tư bình quân 1MW khoảng 30 tỷ đồng.
Quảng Nam bổ sung quy hoạch 4 dự án thủy điện tại Nam Trà My ảnh 1(Ảnh minh họa. Ngọc Hà/TTXVN)

Sau ba ngày làm việc (17/7 đến 19/7), đại biểu dự Kỳ họp thứ 5, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam Khóa IX đã chính thức biểu quyết thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng; trong đó có Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 161/2010/NQ-HĐND về quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, thống nhất bổ sung quy hoạch bốn dự án thủy điện vừa và nhỏ nằm trên địa bàn huyện Nam Trà My.

Tại kỳ họp này, vấn đề được đại biểu cũng như cửa tri quan tâm nhất là đưa vào bổ sung quy hoạch bốn dự án thủy điện trên địa bàn Nam Trà My.

Trong thời gian vừa qua, trước thông tin Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã có tờ trình đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh bổ sung vào quy hoạch bốn dự án thủy điện trên địa bàn huyện Nam Trà My đã làm dấy lên các luồng dư luận trái chiều qua một số kênh thông tin từ các cơ quan thông tấn và báo chí.

Đoàn kiểm tra giám sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh cùng các ban ngành chức năng và chính quyền địa phương các xã trong vùng dự án thuộc huyện Nam Trà My đã đi kiểm tra thị sát thực tế tại bốn thủy điện vừa được đề xuất bổ sung quy hoạch.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, tổng diện tích chiếm đất của bốn dự án là hơn 144ha nhưng ảnh hưởng không đáng kể đến đất rừng phòng hộ, chủ yếu là đất rừng sản xuất chứ không phải là rừng nguyên sinh; không ảnh hưởng đến đất ở, đất lúa, đất sản xuất của người dân; không có bất kỳ hộ dân nào phải di dời là điều kiện vô cùng thuận lợi đáp ứng ưu tiên hàng đầu của địa phương là phát triển kinh tế-xã hội nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc giữ rừng, đảm bảo an sinh cho nhân dân.

Các thủy điện này có công suất nhỏ, theo thiết kế, toàn bộ nguồn nước từ các thủy điện này sẽ không xả nước trực tiếp về vùng hạ du mà sẽ đổ về hồ thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My) nên sẽ là một kênh điều tiết lũ cho hồ thủy điện Sông Tranh, không gây ngập úng cho hạ du.

[Thủy điện Sông Lô 2: Dự án được thi công bất chấp rủi ro môi trường?]

Qua tham vấn từ các chuyên gia, những thủy điện vừa và nhỏ này sẽ được xây dựng theo công nghệ mới, không tích nước theo dạng hồ đập mà chủ yếu lợi dụng thế năng với độ dốc của núi để điều tiết nước theo ngày và theo tuần; dùng phương pháp cho nước tràn qua và dùng áp suất chênh lệch để phát điện nên sẽ có ít hồ chứa hơn, giảm tác động tới môi trường; loại thủy điện quy mô nhỏ này hầu như không ảnh hưởng đến việc động đất bởi hình thức tích nước của loại này không phải là hồ chứa như các loại thủy điện lớn…

Qua đó, đề xuất bổ sung vào quy hoạch bốn dự án thủy điện trên địa bàn huyện Nam Trà My với tổng công suất 78,8MW, cụ thể gồm Thủy điện Trà Linh 1 tại xã Trà Linh và xã Trà Cang, công suất dự kiến hơn 26MW, sản lượng điện dự kiến trên 80 triệu kWh/năm, tổng diện tích chiếm đất hơn 21ha, bình quân 0,82ha/1MW.

Thủy điện Tăk Lê tại xã Trà Nam, công suất dự kiến 11,6MW, điện lượng dự kiến gần 35 triệu kWh/năm, tổng diện tích chiếm đất gần 15ha, bình quân 1,28 ha/1MW.

Thủy điện Nước Lah tại xã Trà Vân và Trà Don, công suất dự kiến 11MW, điện lượng dự kiến gần 39 triệu kWh/năm, tổng diện tích chiếm đất hơn 52ha, bình quân 4,79ha/1MW.

Thủy điện Trà Leng tại xã Trà Dơn, công suất dự kiến 30MW, điện lượng dự kiến hơn 104 triệu kWh/năm, tổng diện tích chiếm đất trên 55ha, bình quân 1,845 ha/1MW (định mức chiếm đất bình quân trên 1MW đảm bảo theo quy định).

Tổng vốn bốn thủy điện vừa và nhỏ Trà Linh 1, Tăk Lê, Nước Lah, Trà Leng tại huyện Nam Trà My dự kiến được đầu tư khoảng 2.700 tỷ đồng, suất vốn đầu tư bình quân 1MW khoảng 30 tỷ đồng, sẽ bổ sung đáng kể nguồn thu cho ngân sách (khoảng 0,8 tỷ đồng/1MW/năm), đóng góp không nhỏ cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện Nam Trà My nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra e ngại trước vấn đề thủy điện lấn chiếm đất rừng, cũng như hệ lụy khi triển khai, thậm chí là lợi dụng việc xây dựng thủy điện để phá rừng, làm suy giảm hệ sinh thái.

Ông Vũ Văn Thẩm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam, cho biết không thể phủ nhận vai trò quan trọng của thủy điện trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương nhưng cần phải tính toán kỹ trên cơ sở khoa học để phân tích, sàng lọc, xác định ra được việc khi làm thủy điện thì hại ít mà lợi nhiều, đặc biệt là đối với đời sống nhân dân vùng cao. Có như vậy, người dân mới ủng hộ việc triển khai các dự án thủy điện.

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nam Trà My, cho biết huyện là một trong số 62 huyện nghèo của cả nước và khó khăn nhất của tỉnh Quảng Nam, hiện chỉ có duy nhất một đường dây vận hành ở hai cấp điện áp là 35kV và 22kV từ thành phố Tam Kỳ lên, đường điện đi dài, qua nhiều khu vực đồi núi nên tiêu tốn điện năng rất lớn qua từng năm.

Đặc biệt nguồn điện không ổn định vào mùa mưa, thường xuyên xảy ra sự cố về lưới điện khi có giông sét, thường xuyên bị mất điện, nhất là vào mùa mưa lũ. Với thực tế hiện nay, chỉ có 30% người dân được tiếp cận với điện lưới quốc gia nên địa phương rất khó trong phát triển kinh tế-xã hội.

Việc xây dựng bốn công trình thủy điện này sẽ tạo điều kiện sớm nâng cấp và hoàn thiện đường dây 110kV vừa đảm bảo đấu nối cho các nhà máy thủy điện, vừa bổ sung thêm một nguồn cấp điện cho huyện Nam Trà My bảo đảm cung cấp điện ổn định cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Chính vì vậy, các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã thống thất thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 161/2010/NQ-HĐND về quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, theo đó bổ sung quy hoạch bốn dự án thủy điện trên và loại bỏ hai dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch đó là dự án thủy điện AgRồng (công suất thiết kế 1MW) và dự án thủy điện Nước Xa (công suất thiết kế 1,2MW)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục