Thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã xác định ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch biển đảo, góp phần đưa du lịch trở thành ngành mũi nhọn và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Đảo Cồn Cỏ thu hút du khách
Huyện đảo Cồn Cỏ được thành lập tháng 10/2004, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Huyện đảo này có diện tích 2,3 km2, cách Cửa Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh khoảng 17 hải lý.
Trong 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho đảo Cồn Cỏ, để xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế, du lịch, xã hội, dân sinh như hệ thống cấp nước sinh hoạt, trung tâm y tế, trường học...
Đặc biệt, huyện đảo Cồn Cỏ đã có bước phát triển đột phá về kinh tế, xã hội nói chung, lĩnh vực du lịch biển đảo nói riêng, kể từ khi địa phương này có nguồn điện lưới quốc gia.
Từ tháng 8/2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiếp nhận toàn bộ cơ sở hạ tầng điện trên đảo Cồn Cỏ, để cung cấp nguồn điện lưới quốc gia thay cho nguồn điện diesel vốn không ổn định, đồng thời nâng cấp hệ thống cung cấp điện có giới hạn sang liên tục 24/24 giờ.
Trong giai đoạn 2018-2020, EVN tiếp tục đầu tư xây dựng mới các trạm, đường dây dẫn... để đáp ứng nhu cầu về điện ngày càng tăng nhanh ở đảo Cồn Cỏ.
Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ Lê Minh Tuấn, từ khi có điện lưới quốc gia, người dân chú trọng đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, để phục vụ khách du lịch đến đảo ngày càng đông. Có cơ sở hạ tầng, điện lưới quốc gia, các doanh nghiệp cũng tìm đến Cồn Cỏ để tìm hiểu đầu tư.
Từ năm 2017, sau khi cơ sở hạ tầng cơ bản được xây dựng, nguồn điện đáp ứng nhu cầu, huyện đảo Cồn Cỏ triển khai đề án mở tuyến du lịch ra đảo này.
Đến cuối tháng 8/2018, Ủy ban Nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ đưa vào sử dụng tàu cao tốc vận chuyển khách du lịch từ Cửa Việt ra đảo Cồn Cỏ. Tàu cao tốc này được đóng mới với tổng mức đầu tư trên 24 tỷ đồng, chở 80 người/chuyến, có khả năng hoạt động trong điều kiện sóng cấp 5 và nhất là giúp rút ngắn thời gian đi từ đất liền ra đảo Cồn Cỏ, từ 2 giờ xuống còn 45 phút.
Đến năm 2020, huyện đảo Cồn Cỏ phấn đấu có từ 2-3 tàu cao tốc hoạt động phục vụ du khách đến với đảo.
Ông Trương Khắc Trưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ cho biết mùa du lịch biển năm 2018, du khách đến với đảo Cồn Cỏ tăng mạnh.
Ngoài sức hấp dẫn vốn có của đảo Cồn Cỏ, điều kiện phục vụ trên đảo đã tốt hơn, góp phần thu hút du khách. Hiện nay, trên đảo Cồn Cỏ đã có cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống đã đáp ứng được nhu cầu của du khách, bãi tắm được cải tạo, thời gian đưa khách ra đảo bằng tàu cao tốc đã nhanh hơn và đặc biệt là có điện 24/24 giờ.
[10 năm Chiến lược biển Việt Nam: Phát huy thế mạnh du lịch biển]
Đảo Cồn Cỏ ngày càng hấp dẫn với du khách bởi có nhiều loại hình du lịch biển kết hợp du lịch sinh thái. Lặn biển để khám phá sự đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ là một trong những loại hình du lịch được du khách rất ưa thích. Bởi lẽ, ở khu bảo tồn này có diện tích trên 4.530 ha, có đến 224 loài cá, 113 loài san hô, trong đó có loài san hô đỏ quý hiếm, phân bố với mật độ dày đặc, màu sắc đẹp...
Ở ven đảo Cồn Cỏ có nhiều bãi tắm hoang sơ, được tạo thành từ vụn san hô, sò, điệp và cát trắng, thuận lợi cho tắm biển, nghỉ dưỡng, câu cá, dã ngoại.
Đảo Cồn Cỏ được phủ xanh bởi rừng nguyên sinh chiếm đến 70% - điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.
Kết nối “tam giác” Cửa Tùng-Cửa Việt-Cồn Cỏ
Việc kết nối “tam giác” du lịch biển Cửa Tùng-Cửa Việt-Cồn Cỏ thành một trong những khu vực trọng điểm về du lịch biển của cả nước được tỉnh Quảng Trị ưu tiên tập trung thực hiện. Tỉnh Quảng Trị đã đầu tư xây dựng cầu Cửa Việt kết nối với đường Cửa Việt-Cửa Tùng.
Cầu Cửa Việt còn giúp kết nối Cửa Tùng-Cửa Việt với các bãi tắm khác ở phía Nam của tỉnh như Mỹ Thủy, Gia Đẳng. Cầu Cửa Tùng kết nối với Di tích Quốc gia Đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc và các điểm du lịch biển ở phía Bắc của tỉnh như: Mũi Trèo, bãi tắm Vĩnh Thái.
Ở đảo Cồn Cỏ, âu tàu đã được xây dựng để tiếp nhận và đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, cùng với đó là hệ thống đường ven biển, cơ sở lưu trú và dịch vụ.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị Nguyễn Văn Chiến, để có những khu du lịch biển có quy mô lớn, tỉnh có chính sách ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đầu tư vào “tam giác” du lịch biển Cửa Tùng-Cửa Việt-Cồn Cỏ.
Các nhà đầu tư vào “tam giác” du lịch này sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, triển khai các tour ra đảo Cồn Cỏ.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng đang hỗ trợ tỉnh Quảng Trị, đưa khu du lịch biển Cửa Tùng-Cửa Việt-Cồn Cỏ vào quy hoạch các khu du lịch biển quốc gia. Những yếu tố này đã và đang giúp “tam giác” du lịch biển Cửa Tùng-Cửa Việt-Cồn Cỏ thu hút được các nhà đầu tư lớn.
Điển hình là Dự án Khu đô thị sinh thái biển AE Resort-Cửa Tùng, do Công ty Cổ phần Tập đoàn AE làm chủ đầu tư, thực hiện từ năm 2018-2021.
Dự án có diện tích trên 36 ha, tổng mức đầu tư hơn 492 tỷ đồng, với các hạng mục như khu biệt thự sinh thái và nghỉ dưỡng, khách sạn tiêu chuẩn 4 sao kết hợp trung tâm hội nghị, khu vui chơi giải trí, các dịch vụ tiện ích phục vụ nhu cầu tắm biển của du khách.
Trong khi đó, Tập đoàn FLC đã tiến hành khảo sát, để xem xét đầu tư dự án quần thể khu đô thị nghỉ dưỡng ở vùng ven biển từ Cửa Tùng đến Cửa Việt, có quy mô hàng trăm hécta. Dự kiến, dự án sẽ xây dựng khu nghỉ dưỡng, khách sạn, trung tâm hội nghị, khu vui chơi giải trí.
"Tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ở đảo Cồn Cỏ, để phục vụ khách du lịch; nhất là khách du lịch trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây. Cồn Cỏ được kết nối với Cửa Việt-Cửa Tùng để tạo thành "tam giác" du lịch biển, qua đó đưa du lịch thành ngành mũi nhọn của địa phương...," Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh./.