Quốc hội cho ý kiến lần cuối vào dự án Bộ luật Lao động sửa đổi

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 17 chương, 220 điều, trong đó có một số nội dung lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý.
Các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ngày 23/10, Quốc hội dành trọn cả ngày để thảo luận, cho ý kiến lần cuối vào dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn, lấy ý kiến, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Bộ luật.

Tại Phiên họp thứ 36 và 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật, chỉ đạo việc hoàn thiện dự thảo Bộ luật để gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.

[Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội]

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 17 chương, 220 điều, trong đó có một số nội dung lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý như: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; Tuổi nghỉ hưu; Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; Thời giờ làm việc bình thường; Giải quyết tranh chấp lao động; Đình công.

Đặc biệt, sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã có một số nội dung mới, chủ yếu đối với người lao động và người sử dụng lao động như: lần đầu tiên mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động đối với người lao động không có quan hệ lao động về một số tiêu chuẩn lao động; bổ sung quy định cụ thể hơn về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ 200 giờ đến 300 giờ trong một năm nhằm bảo đảm quyền lợi lâu dài cho người lao động; điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình nhằm chuẩn bị, ứng phó với quá trình già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Dự thảo cũng lần đầu tiên luật hóa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động khác; mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động.

Theo Chương trình, các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) vào ngày 20/11./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục