Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa bỏ phiếu về việc Thụy Điển gia nhập NATO

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ không tổ chức một cuộc bỏ phiếu đầy đủ về việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển trước giữa tháng 1/2024.

Phiên họp của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn quyết định cho phép Thụy Điển gia nhập NATO tại Ankara, ngày 26/12/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)
Phiên họp của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn quyết định cho phép Thụy Điển gia nhập NATO tại Ankara, ngày 26/12/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 28/12, các nguồn tin cho biết Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng sẽ không bỏ phiếu về việc Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trước giữa tháng 1/2024.

Hôm 26/12, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp thuận việc Thụy Điển gia nhập NATO, cho phép Stockholm tiến thêm một bước gần hơn với việc gia nhập liên minh quân sự này.

Tuy nhiên, thủ tục quan trọng nhất vẫn phải chờ phiên họp toàn thể Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua, thì Thụy Điển mới “đặt một chân” vào NATO.

Trong khi đó, theo kế hoạch, các nhà lập pháp Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhóm họp trở lại vào ngày 15/1/2024.

Gần đây, ông Erdogan đã yêu cầu Mỹ bán lô máy bay tiêm kích F-16 cho Ankara để đổi lấy việc nước này chấp thuận cho Thụy Điển gia nhập NATO.

Mặc dù chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cam kết sẽ thúc đẩy thương vụ bán máy bay chiến đấu này song Quốc hội Mỹ vẫn chưa phê duyệt thương vụ.

Hôm 27/12, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về vấn đề tư cách thành viên NATO của Thụy Điển.

Tại cuộc trao đổi, Ngoại trưởng Fidan bày tỏ hy vọng Chính quyền và Quốc hội Mỹ sẽ thực hiện những cam kết liên quan đến thương vụ bán máy bay nói trên.

Sau một thời gian dài theo đuổi chính sách trung lập, Thụy Điển và Phần Lan đã xin gia nhập NATO vào năm ngoái.

Cho đến nay, Phần Lan đã gia nhập liên minh, trong khi Thụy Điển vẫn đang trong quá trình chờ đợi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê duyệt hồ sơ.

Sau nhiều tháng trì hoãn, hôm 23/10, Tổng thống Erdogan đã ký vào các tờ trình ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO để trình lên Quốc hội xem xét.

Ngoài chờ quyết định của cơ quan lập pháp Thổ Nhĩ Kỳ, Stockholm vẫn cần phải vượt qua “cửa ải” cuối cùng là sự chấp thuận của Hungary.

Hiện, Budapest vẫn chưa khởi động tiến trình bỏ phiếu về tư cách thành viên của Thụy Điển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục