Quốc hội tranh luận trái chiều về việc chuyển nhượng đất trồng lúa

Ủng hộ việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển nhượng đất trồng lúa nhưng có giới hạn và điều kiện về diện tích chuyển nhượng hay không là những vấn đề gặp phải các ý kiến trái chiều.
Quốc hội tranh luận trái chiều về việc chuyển nhượng đất trồng lúa ảnh 1Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hôm nay, 3/11, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều đồng thuận với việc tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Tuy nhiên, việc có giới hạn và điều kiện về diện tích chuyển nhượng hay không là các vấn đề còn gặp phải các ý kiến trái chiều.

Cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng nay, 3/11, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết tại khoản 7, Điều 45 của dự thảo luật về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, nhiều ý kiến đề nghị đối với đất trồng lúa thì cá nhân phải thành lập tổ chức kèm theo phương án sử dụng đất tích tụ để báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, không được gom đất để chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm bảo đảm địa phương có thể giữ đất lúa vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Về nội dung này, dự thảo Luật thiết kế 3 phương án liên quan đến điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

Phương án 1: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa trong mọi trường hợp.

Phương án 2: Không giới hạn về điều kiện. Chính phủ đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 589/BC-CP.

Phương án 3: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định. 

Đại biểu Bế Minh Đức, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng đề nghị Quốc hội lựa chọn phương án 3 vì từ thực tế ở địa phương cho thấy đa số các đối tượng công chức, viên chức, lao động hợp đồng hay công nhân ngoài giờ làm việc hưởng lương vẫn sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, trồng màu, tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống do nguồn thu nhập từ tiền công, tiền lương chưa đảm bảo được cuộc sống.

Quốc hội tranh luận trái chiều về việc chuyển nhượng đất trồng lúa ảnh 2Đại biểu Bế Minh Đức phát biểu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, nhiều người sinh ra lớn lên tại vùng nông thôn chủ yếu của đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa, gia đình có truyền thống trồng lúa để phục vụ nhu cầu cung cấp lương thực cho gia đình mình. Nhu cầu chuyển nhượng, nhận, tặng cho đất trồng lúa với các nhóm đối tượng này hoàn toàn thiết thực, chính đáng, phù hợp với tập quán canh tác, sản xuất cũng như nguyện vọng của các bên chuyển quyền, nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Ông Đức cho rằng phương án 1 yêu cầu phải thành lập tổ chức kinh tế là không khả thi vì đa số đất đai có nguồn gốc do cha ông để lại. Một số người sử dụng đất có tâm lý muốn tặng cho người thân không được coi là hàng thừa kế hoặc do có nhiều đất ruộng nên chia bớt cho người thân có tư liệu sản xuất phục vụ đời sống phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, có những cá nhân chỉ có nhu cầu nhận chuyển nhượng, tặng, cho đất trồng lúa với quy mô nhỏ để sản xuất nông nghiệp.

“Việc thành lập tổ chức kinh tế là yêu cầu phức tạp và không cần thiết ảnh hưởng đến nguyện vọng chính đáng của mỗi cá nhân. Mặt khác, căn cứ tại điểm b khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định các cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức không được phép thành lập và quản lý doanh nghiệp. Do vậy, không đáp ứng được tiêu chí dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định,” đại biểu Đức nói.

[Luật Đất đai (sửa đổi): Nhiều chính sách chưa có phương án tối ưu]

Theo đó, đại biểu Bế Minh Đức cho rằng việc chọn phương án 1 có thể xuất hiện trường hợp nhờ đứng tên hộ khi nhận chuyển nhượng, tặng, cho dẫn đến nguy cơ tranh chấp các hợp đồng được lập tại các cơ quan có thẩm quyền là hợp đồng nhằm che giấu nội dung khác.

“Vì vậy, để Luật Đất đai đi vào cuộc sống và có tính khả thi, đề nghị Quốc hội xem xét, lựa chọn phương án 3,” ông Đức kiến nghị.

Quốc hội tranh luận trái chiều về việc chuyển nhượng đất trồng lúa ảnh 3Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà phát biểu tại buổi thảo luận. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cùng ủng hộ phương án 3, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm hạn mức sử dụng đất trồng lúa. “Tôi đề xuất cân nhắc hạn mức đất trồng lúa dưới 1ha không phải thành lập tổ chức kinh tế,” ông Mạc nói.

Đây cũng là quan điểm của đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị. Theo đại biểu Đồng, việc không giới hạn về điều kiện sẽ rất khó quản lý, dễ phát sinh những vấn đề không mong muốn.

Không nên giới hạn?

Tuy nhiên, một số đại biểu ủng hộ phương án 2, không giới hạn và không yêu cầu điều kiện với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng phương án này sẽ bảo đảm thực hiện đúng chủ trương tại Nghị quyết 18 của Trung ương đã nêu rất rõ là mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, từng địa phương với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn.

Đại biểu Hà nhận định nếu quy định thành lập tổ chức kinh tế có thể sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, tăng chi phí tuân thủ pháp luật nhưng không thay đổi về bản chất việc nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Mặt khác, dự thảo luật này đã có những quy định về chế độ sử dụng đất trồng lúa, trong đó người sử dụng đất phải đảm bảo tuân thủ các quy định về việc sử dụng đất đúng mục đích, hiệu quả, không để hoang hóa và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

Cùng quan điểm này, đại biểu Đặng Hồng Sỹ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận bày tỏ không đồng ý với phương án 1 và phương án 3 trong Điều 45 của dự thảo luật. Theo đại biểu Sỹ, các phương án này không đảm bảo quyền bình đẳng của công dân trong tiếp cận nguồn đất đai được điều này được quy định trong Điều 23 của dự thảo luật.

Mặt khác, trên thực tế, nhiều trường hợp không phải sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn có nhu cầu sử dụng đất trồng lúa. Ví dụ, mua đất nông nghiệp, đất trồng lúa sản xuất lúa để cho tiêu dùng của gia đình.

“Vấn đề này chúng ta không nên giới hạn quyền. Tôi thống nhất không nên hạn chế quyền này vì chủ yếu việc này nhằm quản lý mục đích sử dụng chứ không hạn chế quyền của công dân trong tiếp cận nguồn lực đất đai,” đại biểu Sỹ nêu ý kiến.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, vấn đề này cũng cần nghiên cứu thêm. "Mở và không giới hạn thì chúng ta sẽ quản lý đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực như thế nào?", ông Thanh nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục