Trong hai ngày từ 20-21/9, Phái đoàn Quốc hội liên đảng của Đan Mạch đến thăm làm việc tại Việt Nam có buổi tọa đàm bàn tròn với các đại biểu Quốc hội Việt Nam tại tỉnh Ninh Bình. Đây là cuộc thảo luận bàn tròn lần thứ 5 giữa Quốc hội hai nước Việt Nam-Đan Mạch.
Nội dung của Tọa đàm tập trung chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng của đại biểu Quốc hội trong công tác lập pháp và giám sát cũng như vai trò của đại biểu Quốc hội trong các cam kết quốc tế; trao đổi những vấn đề mang tính thời sự được đại biểu Quốc hội hai nước cùng quan tâm.
Bà Eva Kjer Hansen, Trưởng đoàn Quốc hội Đan Mạch cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng với sự hợp tác lâu dài giữa hai Quốc hội. Chủ đề về công tác lập pháp, giám sát và vai trò của quốc hội trong các cam kết quốc tế đều là những vấn đề quan trọng đối với Quốc hội Đan Mạch và Việt Nam.”
Theo ông Phạm Đình Toản, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tọa đàm giữa đại biểu Quốc hội Việt Nam và đại biểu Quốc hội Đan Mạch được tổ chức trong bối cảnh Quốc hội khóa XIV sắp bước vào kỳ họp thứ hai với nhiều nội dung lập pháp quan trọng.
Đây là cơ hội thiết thực để đại biểu Quốc hội Việt Nam, đặc biệt là những đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu tiên trao đổi và tìm hiểu kinh nghiệm của các đồng nghiệp Đan Mạch, những chính khách đã có rất nhiều kinh nghiệm nghị trường.
Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội Đan Mạch cũng dự kiến gặp đại diện lãnh đạo tỉnh Ninh Bình; sẽ chào xã giao lãnh đạo Quốc hội và làm việc với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; thăm làng gốm Kim Lan (Hà Nội) - nơi Chính phủ Đan Mạch hỗ trợ một dự án năng lượng hiệu quả; thăm một dự án hợp tác giữa hai doanh nghiệp của Công ty Anne Black A/S (Đan Mạch) và Công ty Phomex (Việt Nam) ở làng gốm Bát Tràng...
Quốc hội Việt Nam là một trong số ít các Quốc hội ở châu Á mà Quốc hội Đan Mạch có quan hệ hợp tác, trong khuôn khổ Chương trình Quản trị Công và Cải cách Hành chính (GOPA).
Các thảo luận trước đây bao gồm nhiều vấn đề hai bên cùng quan tâm như sửa đổi hiến pháp, tăng cường giám sát của Quốc hội, tham vấn công chúng, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, và tăng trưởng xanh.
Các đại biểu Quốc hội và cán bộ của Văn phòng Quốc hội Việt Nam đã có 8 chuyến thăm nghiên cứu tại Đan Mạch. Nhiều cán bộ của Văn phòng Quốc hội cũng được tham dự các khoá đào tạo và thực tập do Đan Mạch hỗ trợ./.