Quốc tế tiếp tục các nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột Hamas-Israel

Lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới cho rằng tình hình nhân đạo tại dải Gaza đang ở mức nghiêm trọng và kêu gọi các bên cần chấm dứt những hành động leo thang căng thẳng.
Quốc tế tiếp tục các nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột Hamas-Israel ảnh 1Chuyển em nhỏ bị thương trong vụ tấn công nhằm vào Bệnh viện Al-Ahli al-Arabi ở Gaza, đêm 17/10/2023. (Ảnh: AA/TTXVN)

Ngày 20/10, lãnh đạo của nhiều nước tiếp tục kêu gọi các bên liên quan trong cuộc xung đột Hamas-Israel ngừng các hành động leo thang căng thẳng và chấm dứt cuộc xung đột hiện nay.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi để thảo luận về tình hình tại dải Gaza, nơi đã liên tục hứng chịu các đợt tấn công đáp trả của Isreal kể từ sau khi lực lượng Hamas phát động cuộc tấn công nhằm vào Israel hôm 7/10 vừa qua.

Hai nhà lãnh đạo cho rằng tình hình nhân đạo tại dải Gaza đang ở mức nghiêm trọng, trong khi việc cung cấp hàng viện trợ thiết yếu cho người dân Palestine tại đây lại gặp nhiều thách thức.

Trong một tuyên bố, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho hay hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các vụ đánh bom nhằm vào bệnh viện, trường học và cơ sở tôn giáo ở Gaza, cũng như việc thúc ép người dân ở đây phải di dời đến các khu vực khác.

Tổng thống Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thúc đẩy các nỗ lực để đạt được hòa bình cũng như cung cấp viện trợ nhân đạo và các dịch vụ y tế cho người dân Gaza càng sớm càng tốt.

Sau đó, trong một bài viết trên mạng xã hội X, Tổng thống Erdogan kêu gọi Israel ngừng tấn công dải Gaza và thúc giục cộng đồng quốc tế phối hợp để các bên liên quan có thể đi tới một lệnh ngừng bắn nhân đạo trong khu vực.

Theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, các bên cần chấm dứt những hành động leo thang căng thẳng trước khi mọi việc trở nên quá muộn.

Cùng ngày, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng hối thúc chấm dứt bạo lực ở dải Gaza và dành ưu tiên cho các vấn đề nhân đạo.

Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) lần thứ nhất diễn ra tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, Tổng thống Widodo kêu gọi ASEAN và GCC cùng hợp tác ngăn chặn tình hình Gaza trở nên xấu đi.

Ông nhấn mạnh ASEAN và GCC cần thể hiện lập trường rõ ràng và vững chắc trong việc ủng hộ giải pháp công bằng có thể giúp thiết lập một nền hòa bình lâu dài và bền vững ở dải đất hẹp Gaza.

[Xung đột Hamas-Israel: Lo ngại nguy cơ thảm họa nhân đạo tại Dải Gaza]

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian có cuộc điện đàm với người đồng cấp Algeria Ahmed Attaf về tình hình nhân đạo ở Gaza và các cuộc tấn công gần đây vào dải đất này.

Trong cuộc điện đàm diễn ra tối 19/10, hai ngoại trưởng đã trao đổi quan điểm về tình hình ở Gaza và các diễn biến khác trong khu vực.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Iran nói rõ trong hoàn cảnh hiện nay, ưu tiên cấp bách phải là ngăn chặn xung đột và gửi hàng cứu trợ đến các khu vực bị phong tỏa.

Ông cũng kêu gọi tăng cường tham vấn ngoại giao giữa các nước Hồi giáo về những vấn đề này.

Về phần mình, Ngoại trưởng Algeria nêu nguyên nhân gốc rễ dẫn tới xung đột hiện nay giữa Israel và lực lượng Hamas: đó là việc không thành lập được một nhà nước độc lập cho người Palestine.

Ông kêu gọi chấm dứt bạo lực chống lại người Palestine vô tội và gửi viện trợ tới dải Gaza càng sớm càng tốt.

Quốc tế tiếp tục các nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột Hamas-Israel ảnh 2Khu trại tạm dành cho người dân phải rời bỏ nhà cửa do xung đột tại Khan Younis, Dải Gaza, ngày 19/10/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Từ Mỹ, Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra thông điệp đoàn kết về cuộc chiến Israel-Hamas cũng như tình hình tại Ukraine.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói rõ EU và Mỹ đang “xây dựng một mặt trận thống nhất” trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với những thách thức to lớn và cần một liên minh EU-Mỹ mạnh mẽ để giải quyết những thách thức này.

Hiện chính quyền của Tổng thống Biden đang thúc đẩy Quốc hội thông qua gói viện trợ lớn có tổng trị giá lên tới 106 tỷ USD, trong đó có 14,3 tỷ cho Israel, 61,4 tỷ USD cho Ukraine và 9 tỷ gửi hàng viện trợ nhân đạo cho người dân ở cả Israel và Gaza.

Căng thẳng Israel-Hamas bùng phát từ hôm 7/10 với các cuộc tấn công trả đũa lẫn nhau giữa hai bên và sau đó cả căng thẳng ở biên giới giữa Israel và Liban, nơi có lực lượng Hezbollah.

Theo thông báo ngày 20/10 của Cơ quan Y tế Palestine, ít nhất đã có 4.137 người Palestine thiệt mạng và 13.000 người bị thương do các cuộc tấn công nhằm vào dải Gaza.

Phía Israel cũng có hàng trăm người thương vong. Chưa kể tới những thiệt hại vật chất ở cả hai bên do nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy, trong đó có cả bệnh viện, trường học./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục