Quy hoạch Bình Định: Đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển dẫn đầu vùng

Theo Quy hoạch, đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch... của vùng.

Trao chứng nhận quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)
Trao chứng nhận quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Ngày 23/12, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã công bố Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và đông đảo lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Bình Định và các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Minh Khái đã trao quyết định Quy hoạch tỉnh cho lãnh đạo tỉnh Bình Định.

Theo quyết định số 1619/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Cụ thể, đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt từ 8,5% trở lên, trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân 7-7,5%/năm và giai đoạn 2026-2030 đạt 9,8-10,8%/năm.

GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến năm 2030 là 204-213 triệu đồng/người (tương đương khoảng 7.500-7.900 USD). Đến năm 2030, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 30-35.000 tỷ đồng/năm. Đến năm 2030, tổng lượt khách du lịch đạt 12 triệu khách/năm, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế và 9,5 triệu lượt khách nội địa.

Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 60%. Tỉnh có 90% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới; giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi năm giảm từ 3-4%; năm 2030, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 2%. Tỷ lệ lao động có việc làm trên tổng số lao động của tỉnh đạt 97,9%.

Đặc biệt, Bình Định cũng quy hoạch phát triển, mở rộng thành phố Quy Nhơn về phía Đông Bắc, lấy đầm Thị Nại là trung tâm; xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu Kinh tế Nhơn Hội trên cơ sở chuyển đổi đất công nghiệp sang đất đô thị, dịch vụ. Cấu trúc không gian đô thị phát triển theo mô hình: 2 vùng - 3 cực phát triển - 3 hành lang kinh tế.

Đến năm 2030, toàn tỉnh Bình Định có 21 đô thị, gồm: 1 đô thị loại I (thành phố Quy Nhơn), 2 đô thị loại III (thành phố An Nhơn, thành phố Hoài Nhơn), 3 đô thị loại IV (thị xã Tây Sơn, thị xã Tuy Phước, thị trấn Cát Tiến), 15 đô thị loại V (thị trấn Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tăng Bạt Hổ, Phù Mỹ, Bình Dương, Ngô Mây, An Hòa, Mỹ Chánh, Cát Khánh, Canh Vinh, Mỹ Thành, Mỹ An, Cát Hanh, Ân Tường Tây).

ttxvn-le-minh-khai-7779.jpg
Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Minh Khái phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, Quyết định Quy hoạch tỉnh Bình Định được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh của tỉnh Bình Định; cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3 tháng 11 năm 2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện khát vọng của Đảng bộ và nhân dân Bình Định, trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Tỉnh Bình Định sẽ đóng vai trò là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.

Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Bình Định; được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Bình Định phát triển đột phá và tạo ra kỳ tích về phát triển kinh tế-xã hội với các trụ cột chính.

Để đạt được mục tiêu trên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bình Định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh Bình Định gắn với các Nghị quyết của Trung ương; công bố, công khai rộng rãi Quy hoạch tỉnh, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội; đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thực hiện quyền giám sát việc thực thi Quy hoạch tỉnh.

Tỉnh cũng cần ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối Bình Định với các địa phương trong khu vực, cả nước và quốc tế; đồng thời tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài theo định hướng phát triển của tỉnh.

Trước mắt, Bình Định cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh một cách chi tiết, khoa học, phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tiễn của địa phương; triển khai các quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, tổ chức không gian lãnh thổ, để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn.

Tỉnh Bình Định cũng đón nhận quyết định phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát. Theo đó, đến năm 2030, cảng hàng không Phù Cát sẽ được đầu tư mới nhà ga, mở rộng sân đỗ, xây dựng thêm đường cất hạ cánh thứ hai và các đường lăn phù hợp với quy hoạch.

Cảng hàng không Phù Cát sẽ được mở rộng nâng cấp thành cấp 4C với công suất 5,0 triệu hành khách/năm, 12.000 tấn hàng hóa/năm; giai đoạn đến năm 2050 sẽ có công suất 7 triệu hành khách/năm, 27.000 tấn hàng hóa/năm.

Nhân dịp này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 22 doanh nghiệp, đơn vị và trao 22 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho các nhà đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục