Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia phải tạo đột phá về cơ chế

Theo quy hoạch, 5 bệnh viện hạng đặc biệt sẽ được nâng cấp thành bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế để giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài khám chữa bệnh.
Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia phải tạo đột phá về cơ chế ảnh 1Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Quy hoạch Mạng lưới Cơ sở Y tế Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia phải tạo đột phá về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những cản trở hiện nay, thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hóa y tế.

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp Hội đồng Thẩm định Quy hoạch Mạng lưới Cơ sở Y tế Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch), diễn ra ngày 28/7, tại Trụ sở Chính phủ.

Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan trong quá trình lập Quy hoạch, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, đây là nhiệm vụ khó, vừa phải nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân, vừa thực hiện sắp xếp, kiện toàn bộ máy, tổ chức, tinh giản biên chế.

Liên quan đến định hướng quy hoạch bệnh viện ngành theo hướng chuyên sâu hay chuyển về địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, thống nhất phương pháp luận, cơ sở khoa học, tiêu chí để sắp xếp đúng vị trí, vai trò của các cơ sở y tế trong mạng lưới.

Về một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng cho rằng đại dịch COVID-19 làm bộc lộ không ít bất cập, hạn chế trong tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế trước đây, nhất là trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế cơ sở, y học cổ truyền, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu…

“Để bảo đảm tính tĩnh và động, đóng và mở, Quy hoạch phải bao trùm địa giới hành chính lẫn vùng địa lý tự nhiên khác nhau; hệ thống cơ sở y tế chuyên khoa, chuyên sâu; mạng lưới kiểm định, kiểm chuẩn thuốc, mỹ phẩm; thậm chí cả hoạt động bảo quản, vận chuyển, phân phối thuốc… Đồng thời, cần chỉ rõ những lĩnh vực thiết yếu cơ bản, lĩnh vực mới cần tập trung phát triển trong tương lai liên quan đến các bệnh viện, nghiên cứu khoa học, đào tạo kỹ thuật chuyên sâu...,” Phó Thủ tướng nói.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia phải tạo đột phá về cơ chế ảnh 2Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Quy hoạch cần làm rõ hơn vai trò, vị trí, phạm vi hoạt động của các cơ sở công lập, ngoài công lập; các tuyến y tế Trung ương, vùng, địa phương; định hướng cho địa phương đưa ra tiêu chí tái cơ cấu tổ chức, tăng cường năng lực của y tế cơ sở; kết hợp hoạt động quân dân y trong các cơ sở y tế của Quân đội, Công an.

Phó Thủ tướng lưu ý, không cào bằng trong phát triển mạng lưới cơ sở y tế mà phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, địa lý tự nhiên của từng vùng, từng địa phương.

“Có những địa phương, người dân phải đi một ngày mới đến trạm y tế xã, tuyến huyện, thậm chí tuyến xã, phải có bác sỹ, không chỉ điều trị ban đầu mà còn phân loại, chuyển tuyến. Tại những thành phố lớn, vùng có giao thông thuận lợi, mạng lưới y tế cơ sở lại có hình thức tổ chức khác,” Phó Thủ tướng nêu.

Nhấn mạnh vai trò ngày càng lớn của khu vực y tế ngoài công lập, Phó Thủ tướng cho rằng Quy hoạch phải tạo đột phá về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những cản trở hiện nay, thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hóa y tế, nhất là tại khu vực có trình độ phát triển, người dân có nhu cầu cao và khả năng chi trả các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.

“Y tế công lập và ngoài công lập là hai mảnh ghép để ngành Y tế hoàn thành sứ mệnh của mình,” Phó Thủ tướng lưu ý

Tại cuộc họp, nêu những bất cập lớn trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, đơn vị tư vấn lập Quy hoạch cho biết, khả năng tiếp cận tới bệnh viện Trung ương ở một số vùng kinh tế-xã hội rất thấp.

Điển hình, vùng Tây Nguyên không có bệnh viện Trung ương, Đồng bằng sông Cửu Long có 14 địa phương nhưng chỉ có một bệnh viện Trung ương.

[Bộ Y tế: Tăng cường quản lý khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế]

Quy hoạch đề xuất nâng cấp, đầu tư một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng gồm 20 bệnh viện đa khoa; bổ sung 7 bệnh viện đa khoa mới ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (có địa bàn rộng, khó khăn trong tiếp cận bệnh viện tuyến Trung ương) và vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ (có mật độ dân số cao); 20 bệnh viện chuyên khoa.

5 bệnh viện hạng đặc biệt sẽ được nâng cấp thành bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế để giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài khám chữa bệnh; thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam.

Khu vực y tế ngoài công lập định hướng phát triển là tập trung cung cấp dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, khám chữa bệnh theo yêu cầu, khuyến khích hợp tác công-tư, đầu tư tư nhân; mở rộng quy mô giường bệnh của bệnh viện tư nhân đạt 10, 15 và 25% tổng số giường bệnh trên cả nước lần lượt vào các năm 2025, 2030 và 2050.

Trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế công cộng, Quy hoạch đưa ra phương án đầu tư, hiện đại hóa một Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Trung ương, ba CDC vùng, nhằm khắc phục tình trạng thiếu đơn vị điều phối cấp quốc gia để kết nối giữa các CDC tỉnh, thành phố và mạng lưới CDC quốc tế; nâng cao năng lực CDC các địa phương…

Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia phải tạo đột phá về cơ chế ảnh 3Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Quy hoạch Mạng lưới Cơ sở Y tế Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Đóng góp vào dự thảo Quy hoạch, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Hương, Ủy viên phản biện, đề nghị định hướng rõ hơn về phát triển mạng lưới y tế dự phòng, y tế công cộng tại địa phương; chú trọng chăm sóc sức khỏe ban đầu; có cơ chế phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa cơ sở y tế công lập và tư nhân; mở rộng đối tượng tham gia vào lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ với nhiều loại hình đa dạng… phù hợp với mô hình bệnh tật mới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng Quy hoạch này phải trở thành căn cứ để thiết lập các quy hoạch phân ngành, bảo đảm sự thống nhất, chính thể của mạng lưới y tế quốc gia; đồng thời làm rõ nhu cầu nguồn vốn đầu tư cũng như các dự án để thực hiện, nhất là danh mục dự án ưu tiên được xác định theo tiêu chí, nguyên tắc cụ thể.

Các đại biểu thảo luận về các giải pháp đặc thù, đột phá trong cơ chế quản trị bệnh viện, quản lý tài chính, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển y tế ngoài công lập…

Đại diện một số địa phương đề xuất, Quy hoạch cần tích hợp, bổ sung, lồng ghép với quy hoạch, định hướng phát triển trong tương lai của địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục