Quỹ tiền tệ châu Á để đối phó biến động tài chính

AMF tượng trưng cho một nỗ lực lâu dài của các nước châu Á nhằm giảm bớt những tổn thương khi quỹ dự trữ ngoại hối giảm đột biến.
Quỹ tiền tệ châu Á (AMF), do 10 nước ASEAN cùng với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc thành lập theo mô hình Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đã chính thức ra mắt vào ngày 23/3 vừa qua, với tổng vốn trị giá 120 tỷ USD.

Được đánh giá là phiên bản châu Á của IMF, AMF tượng trưng cho một nỗ lực lâu dài của các nước châu Á nhằm giảm bớt những tổn thương khi quỹ dự trữ ngoại hối giảm đột biến, một rủi ro thường dễ xuất hiện ở các quốc gia phụ thuộc lớn vào xuất khẩu như các nước thành viên của quỹ này.

Vẫn còn đấy những ám ảnh về cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998, khi một loạt nước trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia đã buộc phải chấp nhận những điều kiện nghiệt ngã để đổi lại những khoản cứu trợ của IMF.

Kể từ đó, một mục tiêu nhất quán của các nhà hoạch định chính sách trong khu vực là tạo ra một thể chế tiền tệ với những yêu cầu ít nghiêm ngặt đối với các nước đi vay trong trường hợp cần thiết, và đấy chính là lý do cho sự ra đời của AMF.

Theo thỏa thuận, Nhật Bản sẽ đóng góp 32% trong tổng số 120 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của AMF, tương đương với 38,4 tỷ USD. Trung Quốc đóng góp 38,4 tỷ USD, trong đó Trung Quốc đại lục với 34,2 tỷ USD và Đặc khu hành chính Hongkong với 4,2 tỷ USD. Hàn Quốc đóng góp 19,2 tỷ USD, trong khi các nước ASEAN đóng 24 tỷ USD.

So với 750 tỷ USD dự trữ của IMF, con số 120 tỷ USD của AMF khá khiêm tốn, nhưng vẫn là một số tiền đáng kể, có thể giúp các nước thành viên đối phó với khủng hoảng ở mức độ nhất định (trước đó, khoản cứu trợ tài chính của IMF dành cho Hàn Quốc trong 1997-1998 chỉ đến 57 tỷ USD).

Cũng cần phải nói rõ rằng việc tạo điều kiện thuận lợi hơn so với IMF không có nghĩa là AMF sẽ sẵn sàng cho vay trong bất cứ trường hợp nào. Những quốc gia với tư cách là nhà tài trợ chính như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc mặc dù không áp đặt các điều kiện khắt khe như IMF, song họ vẫn cần các biện pháp để đảm bảo rằng họ vẫn được hoàn tiền sau khi việc mở rộng trao đổi tiền tệ hết hạn.

Chính vì vậy, các quốc gia là "nhà tài trợ" vẫn có thể từ chối việc tiến hành trao đổi nếu như một quốc gia đi vay bị đánh giá là không có khả năng trả nợ.

Một vấn đề khác là sự bất đồng giữa các nước đi vay và các nước cho vay. Đương nhiên, các nước đi vay mong muốn được tiếp cận các kho dự trữ ngoại tệ của các nước tài trợ lớn trong khu vực một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn so với cách thức mà cho vay đặt ra.

Tuy nhiên, hiện các nước đã có sự đồng thuận cơ bản, theo đó việc ra quyết định cho vay sẽ được thực hiện thông qua một hệ thống bỏ phiếu minh bạch, song Trung Quốc và Nhật Bản với tư cách là hai nhà tài trợ lớn nhất, vẫn có thể sẽ phê chuẩn hoặc phản đối bất kỳ đề nghị hỗ trợ nào từ phía AMF.

Mặc dù còn một số tồn tại, song không thể phủ nhận rằng việc thành lập AMF rõ ràng là vì lợi ích chung của cả khu vực. Chính vì vậy, các nước đã đề cập đến giải pháp nhằm thúc đẩy sự đa phương hóa AMF, mở rộng sang các nước khác trong vùng, như Ấn Độ, Australia...

Việc bổ sung các nước có khả năng tài trợ hứa hẹn sẽ giúp làm tăng tiềm lực tài chính của AMF, đồng thời sẽ tạo ra một thế cân bằng lớn hơn giữa "các nhà tài trợ lớn" trong thể chế này.

ASEAN + 3 (gồm ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã mất một chặng đường dài, gần 10 năm đàm phán để thành lập được AMF. Chính vì vậy, đây được xem là một sự khởi đầu thành công của Nhóm ASEAN + 3 trong nỗ lực hợp tác để giải quyết các vấn đề kinh tế trong khu vực.

Từ thành công đầu tiên này, các nước hy vọng rằng AMF sẽ dần hoàn thiện, để đạt được mục tiêu hỗ trợ hiệu quả các quốc gia thành viên đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục