Quyết định của EC tác động tiêu cực đến ngành da giày

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên khẳng định việc Ủy ban châu Âu (EC) quyết định rà soát các sản phẩm giày da nhập khẩu từ Việt Nam không chỉ tác động tiêu cực ở Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp và đặc biệt là quyền lợi của người tiêu dùng châu Âu.

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên khẳng định việc Ủy ban châu Âu (EC) quyết định rà soát các sản phẩm giày da nhập khẩu từ Việt Nam không chỉ tác động tiêu cực ở Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp và đặc biệt là quyền lợi của người tiêu dùng châu Âu.

Trên thực tế, theo quyết định EC ban hành tháng 10/2006, mức thuế chống bán phá giá 10% đối với giày mũ da Việt Nam sang EU sẽ hết hạn vào ngày 7/10/2008. Nhưng ngày 2/10/2008, EC đã thông báo sẽ tiến hành rà soát trong vòng 12-15 tháng và duy trì mức thuế này cho đến khi có kết quả rà soát.

Trả lời phỏng vấn TTXVN, sau khi EC đưa ra quyết định này, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho rằng quyết định này hoàn toàn trái với sự mong đợi của đông đảo người tiêu dùng cũng như của nhiều doanh nghiệp EU và không phản ánh quan điểm của đa số thành viên EU. “Việt Nam rất thất vọng về quyết định này của EC”, Thứ trưởng bày tỏ.

Mặt khác, Thứ trưởng cũng cho rằng quyết định sẽ gây ra những quan ngại và tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh, đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác châu Âu.

Bởi vậy, “EC cần tiến hành việc rà soát một cách công bằng và nhanh chóng, không gia hạn áp thuế sau rà soát, giúp cho doanh nghiệp hai bên sớm ổn định sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng EU lại có điều kiện mua giày mũ da của Việt Nam với giá hợp lý, phù hợp với thị hiếu và khả năng của họ” Thứ trưởng nói.

Dự báo về hoạt động xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào thị trường EU trong thời gian tới, Thứ trưởng cho rằng, việc tiếp tục áp thuế và quyết định rà soát này, cộng với việc loại giày dép Việt Nam ra khỏi diện được hưởng thuế ưu đãi thuế quan phổ cập từ 1/1/2009 sẽ là “tác động kép” khiến ngành da giày Việt Nam gặp “khó khăn chồng chất”. Đó là chưa kể tác động từ những khó khăn của kinh tế toàn cầu khiến sức mua tại EU có thể giảm.

Thực tế, trong hai năm vừa qua, giày mũ da của Việt Nam xuất khẩu sang EU đã giảm sút đáng kể. Do vậy, quyết định mới của EC còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm của hơn nửa triệu lao động trong ngành công nghiệp này của Việt Nam.

Trong bối cảnh này, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cũng khuyến cáo các doanh nghiệp da giày Việt Nam trước mắt cần hợp tác tốt với cơ quan điều tra chống bán phá giá của EC trong giai đoạn rà soát; mặt khác, chủ động triển khai các phương án kinh doanh nhằm đa dạng hóa sản phẩm, thị trường để hạn chế những tác động tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm và thu nhập của người dân lao động.

Thứ trưởng khẳng định, Bộ Công Thương sẽ cùng các bộ, ngành liên quan sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp da giày trong giai đoạn rà soát này. Ngày 3/10 vừa qua. Cục quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương đã phối hợp với Hiệp hội Da giày Việt Nam tổ chức giới thiệu cho doanh nghiệp liên quan về luật pháp rà soát chống bán phá giá của EU và công việc chuẩn bị cho gia đoạn rà soát.

Cũng liên quan đến quyết định rà soát sản phẩm giày mũ da nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc, trong phiên họp tham vấn của Ủy ban chống bán phá giá với đại diện các nước thành viên EU ngày 17/9, đã có tới 15 trong tổng số 27 nước thành viên phản đối việc rà soát và tiếp tục áp thuế chống bán phá giá.

Nhiều tổ chức ở EU cũng đã ra thông cáo báo chí phản đối, trong đó nhấn mạnh EU không nên tiếp tục chính sách này, nhất là trong bối cảnh lạm phát cao và kinh tế suy thoái như hiện nay, chính sách bảo hộ này chỉ bảo vệ một vài doanh nghiệp trong EU có khả năng cạnh tranh kém trên thị trường và đi ngược lại xu hướng tự hoá thương mại./.  (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục