Ra mắt cuốn sách chia sẻ những câu chuyện xúc động trong đại dịch

“​​Liên & Dòng chảy nghĩa tình” là cuốn sách ghi lại 72 ngày chương trình “Gửi nghĩa Đồng bào” được triển khai tại TP.HCM và các tỉnh lân cận trong những ngày dịch dã hoành hành.
Ra mắt cuốn sách chia sẻ những câu chuyện xúc động trong đại dịch ảnh 1 Bà Đỗ Thị Kim Liên, nhà văn Y Ban, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ chia sẻ lý do ra đời cuốn sách (Ảnh: LTM)

72 ngày thấm đẫm tình người trong dịch bệnh của chương trình thiện nguyện “Gửi nghĩa đồng bào” đã được ghi chép chân thật trong “Liên & Dòng chảy nghĩa tình." Không chỉ khắc hoạ một giai đoạn lịch sử khi đại dịch COVID-19 tràn qua thành phố, cuốn sách còn tiếp nối sứ mệnh hành thiện của bà Đỗ Thị Kim Liên khi toàn bộ doanh thu sẽ được làm từ thiện.

Dưới ngòi bút của nhóm tác giả, cũng là người trực tiếp tham gia chương trình thiện nguyện, các câu chuyện được tái hiện chân thực từ chính cảm xúc, góc nhìn của người trong cuộc. Ở đó, có câu chuyện của bà Đỗ Thị Kim Liên - người khơi dòng chảy nghĩa tình, có câu chuyện nghĩa tình vượt nghìn hải lý của bà con kiều bào, câu chuyện về tấm lòng cho đi của doanh nghiệp giữa lúc khó khăn, câu chuyện về từng đồng tiền lẻ gom góp của chị em tiểu thương, và cả hồi ức của những nạn nhân đã mất đi gia đình do COVID-19.

Từng cột mốc, từng con số, từng sự kiện được gợi lại trong các chương sách để nhắc nhớ về những mất mát, nhưng cũng chứa đầy hy vọng của giai đoạn chống dịch lịch sử.

Theo ban biên soạn cuốn sách, toàn bộ số tiền bán sách sẽ được dùng để giúp sức những hoàn cảnh thiệt thòi, mất mát: các em nhỏ khao khát đến trường của chương trình Cặp lá Yêu thương - VTV1, mẹ và thân nhân liệt sĩ thông qua Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM, con em các chiến sĩ, cán bộ Y tế tuyến đầu có hoàn cảnh khó khăn, các em nhỏ mồ côi sau đại dịch. 

Cuốn sách đã được đặt trước 2.500 bản thông qua hoạt động Đại sứ Sen Vàng. Tại lễ ra mắt hôm 30/12, thêm 1.500 bản sách tiếp tục được đặt mua. 

Bà Đỗ Thị Kim Liên chia sẻ: “Tôi nghĩ, mình cần lưu lại những ngày tháng này bằng những câu chữ, để thế hệ sau để biết dân tộc ra đã kiên cường chống dịch, với tấm lòng lá lành đùm lá rách như thế nào."

Nhà văn Thu Huệ, người đồng hành biên tập cuốn sách cho hay: “Đây chính là một cuốn sách văn học sử ghi lại những lát cắt của một giai đoạn lịch sử của Sài Gòn và cả nước. Đây sẽ là một di sản để thế hệ sau biết rằng đồng bào đã từng trải qua những gì.”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục