Ngày 30/12, Ban Quản lý Dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải) - chủ đầu tư dự án và các đơn vị thi công tổ chức triển khai thi công dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn từ thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.
Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước với tổng mức đầu tư là 1.681,751 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng là 966,2 tỷ đồng. Tổng chiều dài tuyến khoảng 19,8km (phía tỉnh Hậu Giang dài 8,9km, phía tỉnh Sóc Trăng dài 10,9km); quy mô xây dựng đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/giờ; bề rộng nền đường 20m gồm 4 làn xe chạy; mở rộng và đầu tư mới 5 cầu trên toàn tuyến phù hợp với khổ đường. Thời gian thi công dự kiến trong vòng 1 năm, hoàn thành vào tháng 12/2022.
Ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án 7 cho biết khi hoàn thành và đưa vào khai thác, dự án sẽ đảm bảo lưu lượng thông xe cho Quốc lộ 1A đặc biệt là đoạn đi qua trung tâm thành phố Ngã Bảy, giảm thiểu ùn tắc và mất an toàn giao thông; đáp ứng yêu cầu hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và góp phần phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
[Bộ GTVT khơi thông 'dòng chảy' hàng hóa, tăng tốc dự án, giải ngân]
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm đánh giá việc triển khai thực hiện dự án có ý nghĩa rất quan trọng để dần hoàn chỉnh quy mô toàn tuyến Quốc lộ 1A từ Hà Nội đến Cà Mau, góp phần giải quyết những áp lực giao thông ngày càng lớn của các địa phương và khu vực;
Thứ trưởng Lâm yêu cầu Ban Quản lý Dự án 7 tiếp tục phải phối hợp chặt chẽ với 2 địa phương khẩn trương hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn, nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp đảm bảo hiệu quả, chất lượng thi công và tổ chức giao thông an toàn, thông suốt.
“Các đơn vị liên quan cần tính toán giải pháp kỹ thuật phù hợp với đặc thù địa chất tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp và tình trạng biến đổi khí hậu của khu vực Tây Nam Bộ đồng thời phải huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công, tổ chức công trường thích ứng linh hoạt với diễn biến dịch bệnh COVID-19; tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tiêu cực. Mục tiêu phải hoàn thành Dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, mỹ thuật và phát huy được hiệu quả đầu tư,” Thứ trưởng Lâm nhấn mạnh./.