Rác sinh hoạt vứt tràn lan tại Hà Nội: Có chế tài sao vẫn chưa phạt?

Dù rác thải sinh hoạt luôn được thu gom vào những thời gian nhất định trong ngày, nhưng tại sao nhiều người vẫn lựa chọn cách đổ thẳng rác ra các chỗ công cộng thay vì chờ đến giờ đổ rác?
Rác sinh hoạt vứt tràn lan tại Hà Nội: Có chế tài sao vẫn chưa phạt? ảnh 1Biển cấm đổ rác trên phố Lê Duẩn, Hà Nội. (Nguồn: Vietnam+)

Hình ảnh những túi rác sinh hoạt tập kết trên một góc phố, chân cột điện, bãi đất trống luôn gây khó chịu. Đây là một vấn đề tồn tại lâu năm ở các thành phố lớn của Việt Nam, trong đó có Hà Nội.

Dù rác thải sinh hoạt luôn được thu gom vào những thời gian nhất định trong ngày, nhưng tại sao nhiều người vẫn lựa chọn cách đổ thẳng rác ra các chỗ công cộng thay vì chờ đến giờ đổ rác?

Thói quen sinh hoạt tùy tiện

Xả rác nơi công cộng vốn là một hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng trong suy nghĩ của đại đa số người dân Việt Nam, đây là một hành vi rất nhỏ, "không ảnh hưởng tới ai," mà không nhận ra rằng những cái nhỏ ấy khi tích lại đã trở thành một vấn nạn kéo dài hàng chục năm.

Tại ngõ 73 Giang Văn Minh, Ba Đình, Hà Nội, khoảng 5h chiều sẽ có xe đổ rác đến gom rác sinh hoạt của cư dân. Nhưng bắt đầu từ sau 12h, tại chân cột điện cuối ngõ và khu vực đầu một ngách nhỏ, những túi rác thải bắt đầu xuất hiện, nhiều dần lên, đôi lúc chất thành đống, kéo theo vô vàn ruồi muỗi và các loại côn trùng.

Rác thải này không phải là phế liệu xây dựng đổ trộm, không phải xả thải từ nhà máy sản xuất, mà là rác gia đình, của chính những người dân sống quanh khu vực mang ra đó thay vì chờ đến giờ đổ rác, mà lý do thì có vô vàn, như sợ không có ở nhà lúc có xe gom rác, sợ rác để lâu trong nhà dẫn đến mất vệ sinh, hay thậm chí chỉ là "tiện."

Chị H, một người dân sống tại ngõ cho biết chị đã phải dán thông báo yêu cầu không để rác tại đây, đồng thời trích xuất camera gia đình tìm những người dân đã để rác sai quy định để góp ý, thì tình trạng bỏ rác bừa bãi mới giảm bớt. Tuy nhiên, lâu lâu vẫn xuất hiện tình trạng rác thải sinh hoạt gia đình "ngự" tại khu vực chân cột điện vốn đang sạch sẽ, khiến người dân khó chịu.

[Bình Dương: Đổ rác xuống sông Sài Gòn bị phạt 4,5 triệu đồng]

Chị Thủy, sống tại Ba Đình, Hà Nội cho biết chị có thói quen đi bộ đi làm vào những ngày trời mát. Đoạn đường đi làm của chị khá lý tưởng khi qua những con phố lớn rợp bóng cây xanh.

Nhưng đoạn phố Lê Duẩn đối diện Cao Bá Quát lại "chình ình" một đống rác lớn, toàn rác sinh hoạt tràn ngập vỉa hè, khiến chị và những người đi bộ khác phải đi xuống lòng đường, vừa mất vệ sinh vừa gây nguy hiểm.

Chị cho rằng đó cũng chính là cảm nhận của những khách du lịch nước ngoài khi đi bộ trên đường phố Hà Nội, thành phố vốn được đánh giá là điểm đến du lịch hàng đàu châu Á trong năm 2022.

Những điểm tập kết rác tự phát này xuất hiện rất nhiều trên các đường phố tại Hà Nội, và điều đặc biệt là thường tại mỗi "bãi rác mini" này lại xuất hiện thêm tấm biển "cấm đổ rác."

Những chữ "cấm đổ rác," từ dòng viết tay nguệch ngoạc, đến những tấm biển được in ấn cẩn thận, xuất hiện cạnh những đống rác cho thấy một nghịch lý vừa hài hước lại vừa đáng buồn đã tồn tại từ rất nhiều năm qua, phản ánh ý thức của người dân đối với môi trường sống của mình, thậm chí phản ánh lối sống ích kỷ "sạch mình, bẩn người" của một bộ phận người dân thành thị.

Có chế tài nhưng vẫn chưa đủ lực lượng

Nhiều năm trước, người dân Việt Nam vẫn còn lạ lẫm khi thấy hành vi xả rác ra đường bị xử phạt trong các bộ phim của nước ngoài.

Rác sinh hoạt vứt tràn lan tại Hà Nội: Có chế tài sao vẫn chưa phạt? ảnh 2Biển cấm đổ rác trên phố Khâm Thiên, Hà Nội. (Ảnh: Trần Thu Trang/Vietnam+)

Tuy nhiên, luật của Việt Nam sau này đã quy định rất rõ về hành vi này tại Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/8/2022.

Trong đó, tại khoản 2 Điều 25 Nghị định 45 có quy định các mức phạt đối hành vi thu gom, thải rác thải trái quy định về bảo vệ môi trường. Theo đó, mức phạt tiền là từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển...

Như vậy, có thể thấy hành vi vứt rác bừa bãi là hoàn toàn vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt lên đến 2 triệu đồng. Thậm chí, có những tấm biển đề rõ mức phạt tiền nếu bị phát hiện vứt rác bừa bãi, nhưng những đống rác vẫn ngổn ngang quanh tấm biển như một lời thách thức đối với các lực lượng chức năng.

Phạt tiền vẫn luôn là biện pháp răn đe tốt nhất. Những người tham gia giao thông Hà Nội từ hơn 20 năm trước hẳn vẫn còn nhớ hình ảnh những chiếc xe dừng đèn đỏ lấn rất sâu sang làn đường được phép lưu thông, chỉ chừa lại một khoảng trống rất hẹp cho những chiếc xe theo chiều đèn xanh. Tuy nhiên, tình trạng này đã gần như chấm dứt sau một đợt triển khai xử phạt quyết liệt của lực lượng Cảnh sát Giao thông. Nên có thể nói rằng chỉ cần những biện pháp quyết liệt, thì chắc chắn ý thức của người dân sẽ được nâng cao hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, hiện nay, lý do chính khiến người dân không chấp hành việc bỏ rác đúng nơi quy định vẫn là do "chưa thấy ai bị phạt." Tình trạng rác thải như hiện nay cho thấy những chế tài, biện pháp của thành phố chưa đủ sức răn đe, bởi cơ sở hạ tầng giúp quản lý việc xả thải bừa bãi vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu chung.

Chính quyền địa phương cần đầu tư hệ thống camera đồng bộ giúp trích xuất cách hành vi xả rác bừa bãi. Bên cạnh đó, một tình trạng chung hiện nay là các phường, xã không có đủ nhân lực để tiến hành tuần tra, xử phạt các hành vi vứt rác thải, nên yêu cầu cấp thiết cần có một lực lượng chuyên nghiệp để thực hiện nhiệm vụ này, nhất là để đối phó với những đối tượng có hành vi phản ứng hung hăng, chống đối.

Và ngay cả những người dân cũng không thể thụ động chờ đợi sự giải quyết của chính quyền, mà cần tự ra tay cứu lấy môi trường sống của mình, vượt qua rào cản e ngại sợ mất lòng khi những người xả rác không đúng chỗ lại chính là những hàng xóm thân quen của mình.

Chị H ở Giang Văn Minh cho biết chị thường chủ động đề nghị hàng xóm không vứt rác tại khu vực cột điện, bởi vừa tạo tiền lệ xấu cho khách qua đường vứt rác theo, vừa ô nhiễm chính môi trường sống của mình. Đối với những người vẫn phớt lờ ý kiến chung và tiếp tục vứt rác tại đó, sau khi kiểm tra camera gia đình, chị sẽ gặp tận nơi hoặc in ảnh gửi tới gia đình. Bởi theo chị, môi trường sống là của chung, chị làm như vậy không phải vì cá nhân gia đình mình. Hành động này có thể mất lòng trước nhưng sẽ được lòng sau.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh-thông minh-hiện đại.” 

Sau hàng chục năm, xã hội phát triển không ngừng, đường phố được nâng cấp sạch đẹp, những hành động như vứt vỏ kẹo, giấy gói trực tiếp xuống đường phố đã gần như không còn. Tuy nhiên, những bãi rác nhỏ xấu xí vẫn như những vết bẩn đâu đó hủy hoại bức tranh phong cảnh đẹp đẽ của Hà Nội, cho thấy chúng ta cần nỗ lực hơn nữa vì một Hà Nội xanh-sạch-đẹp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục