Một con tin người Mỹ được xác nhận đã chết giữa những tin tức không rõ ràng về số phận của những người nước ngoài khác trong một nhà máy khí đốt ở Algeria, nơi những kẻ bắt giữ yêu cầu một cuộc trao trả tù binh và Pháp phải chấm dứt hành động quân sự ở Mali. Các tay súng có liên quan tới Al Qaeda, được hãng tin Mauritania ANI dẫn lời, nói họ vẫn còn giữ bảy người nước ngoài tại nhà máy nằm sâu trong sa mạc Sahara gần biên giới với Libya, trong khi một quan chức an ninh Libya lại nói còn tới 10 người nước ngoài bị bắt. “Đây là tình huống hết sức khó khăn và nguy hiểm”, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Hillary Clinton nói ở Washington trong một cuộc họp báo với người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida. “Mỹ bày tỏ sự chia sẻ với tất cả gia đình đã mất những người yêu thương trong cuộc tấn công tàn bạo này và chúng tôi lo ngại sâu sắc về những ai vẫn còn trong vòng nguy hiểm. Sự thận trọng tối đa là cần thiết để gìn giữ mạng sống cho người vô tội.” Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Victoria Nuland xác định danh tính người Mỹ đã thiệt mạng là Frederick Buttaccio giữa các thông tin nói có tất cả năm người Mỹ bị bắt lúc đầu. Nhiều nước đã lên tiếng chỉ trích việc Algeria tiến hành tấn công quân sự vào nhà máy để giải cứu con tin là quá vội vàng sau khi một quan chức an ninh nước này nói cuộc tấn công khiến 12 con tin và 18 kẻ bắt cóc thiệt mạng. Ông Kishida hối thúc Algeria “ưu tiên hàng đầu” cho việc bảo đảm tính mạng các con tin. Bộ trưởng ngoại giao Pháp Laurent Fabius nói một người Pháp đã thiệt mạng trong chiến dịch. Một quan chức Mỹ cho biết máy bay vận tải quân sự của Mỹ đã được đưa tới để sơ tán những người sống sót, nhưng không cho biết có bao nhiêu con tin người Mỹ. Nhà chức trách Algeria trong khi đó đã ngừng các cuộc tấn công để tìm kiếm một giải pháp “hòa bình” cho cuộc khủng hoảng con tin. Nhóm các tay súng có liên hệ với Al Qaeda này tự gọi họ là “Những người đòi nợ máu” muốn chấm dứt việc Pháp can thiệp ở Mali, theo ANI, dẫn lại các nguồn tin thân cận với thủ lĩnh nhóm, Mokhtar Belmokhtar.
Hình ảnh vệ tinh Digital Globe chụp khu vực In Amenas ở Algeria (Nguồn: AFP)
Các tay súng này hiện vẫn đang giữ ba người Bỉ, hai người Mỹ, một người Nhật Bản và một người Anh, dù phía Bỉ nói không có dấu hiệu gì cho thấy công dân của họ đang bị giữ ở Algeria. ANI cho biết Belmokhtar, một nhân vật Hồi giáo cực đoan có tiếng ở Algeria có liên hệ với Al Qaeda, đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công và đề xuất trao đổi hai con tin người Mỹ lấy Omar Abdul Rahman, người Ai Cập, và Aafia Siddiqui, người Pakistan, hiện đang bị giam giữ ở Mỹ với các cáo buộc khủng bố. “Nước Mỹ không thương lượng với những kẻ khủng bố”, bà Nuland nói khi được hỏi về đề xuất. Nhiều công nhân không có tin tức gì, và số phận của ít nhất 10 người Nhật Bản cùng tám người Na Uy cũng hoàn toàn mờ mịt. NBC News dẫn lời các quan chức Mỹ nói hai người Mỹ đã trốn thoát an toàn sau khi ẩn trốn lúc cuộc tấn công bắt đầu, trong khi số phận hai người khác chưa rõ ra sao. Một người Mỹ khác đã trốn được, Mark Cobb nói với CNN bằng tin nhắn điện thoại là ông đã “an toàn” và trốn thoát cùng một số nhân viên nhà máy người Algeria. Hãng tin Algeria APS dẫn một quan chức chính phủ nói những kẻ bắt cóc, tuyên bố tới từ Niger, được vũ trang hạng nặng bằng súng máy, súng trường quân đội và cả tên lửa xách tay. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói Mỹ đang làm việc hết sức để đảm bảo các công dân nước này có thể trở về an toàn, nhưng Washington bác bỏ các thương lượng về trao đổi tù nhân. Một số người trốn thoát nói họ bị buộc thuốc nổ quanh cổ và những người khác nói họ ẩn náu ở bất cứ nơi nào có thể.
Hình ảnh của kênh Al-Jazairia 3 cho thấy một số con tin người Algeria đã được giải thoát (Nguồn: AFP)
Alexandre Berceaux thuộc công ty Pháp CSI nói ông trốn trong một căn phòng trước khi quân đội tới giải cứu. “Tôi nằm dưới gầm giường và chặn một tấm ván bên ngoài”, Berceaux nói. “Tôi có chút đồ ăn thức uống. Tôi không biết sẽ mất bao lâu”. Các lực lượng Algeria bắt đầu cuộc tấn công ngày thứ Năm, một ngày sau khi những kẻ bắt cóc chiếm nhà máy để báo thù cho việc Algiers ủng hộ quân đội Pháp có hành động quân sự tại nước láng giềng của Algeria là Mali./.
Trần Trọng (Vietnam+)