Romania: Hơn 10.000 người dân biểu tình phản đối cải cách tư pháp

Hơn 10.000 người dân bất chấp giá lạnh đổ xuống đường nhằm thể hiện sự bất bình trước nỗ lực thụt lùi trong cuộc chiến chống tham nhũng của chính phủ Romania.
Romania: Hơn 10.000 người dân biểu tình phản đối cải cách tư pháp ảnh 1Người dân Romania xuống đường biểu tình. (Nguồn: AP)

Làn sóng biểu tình phản đối dự luật cải cách tư pháp của Chính phủ Romania lại tiếp diễn khi ngày 10/12, hơn 10.000 người dân bất chấp giá lạnh đổ xuống đường nhằm thể hiện sự bất bình trước nỗ lực thụt lùi trong cuộc chiến chống tham nhũng của chính phủ nước này.

Trên khắp đường phố ở thủ đô Bucharest, những người biểu tình đã yêu cầu chính quyền do đảng Dân chủ Xã hội (PSD) đứng đầu rút lại dự luật cải cách tư pháp, trong đó có nội dung cải cách toàn bộ hệ thống tư pháp và hạn chế quyền lực của Cơ quan chống tham nhũng quốc gia (DNA) cũng như ngăn cản cơ quan này tiến hành điều tra các quan chức.

Trong khi đó, hàng nghìn người cũng tập trung tại quảng trường Chiến thắng, cầm biểu ngữ có dòng chữ yêu cầu chính phủ từ chức.

Hơn 2.000 người cũng tham gia biểu tình tại thành phố miền Trung Sibiu và thành phố miền Tây Timisoara. Theo những người biểu tình, những sửa đổi này sẽ làm suy yếu cuộc chiến chống tham nhũng.


[Romania phong tỏa tài sản 32 triệu USD của lãnh đạo đảng cầm quyền]

Những cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng nghìn người dân Romania đã diễn ra gần đây để phản đối dự luật cải cách tư pháp của chính phủ.

Theo những người biểu tình, những sửa đổi theo dự luật sẽ làm suy yếu nỗ lực chống tham nhũng, không trao quyền cho tổng thống chỉ định các công tố viên cao cấp. Các ý kiến phản đối cho rằng việc sửa đổi dự luật có mục tiêu duy nhất là bảo vệ các nhà lãnh đạo tham nhũng.

Hồi đầu năm, Chính phủ Romania do đảng Dân chủ Xã hội đứng đầu đã tìm cách "nới lỏng" luật chống tham nhũng. Ủy ban châu Âu cảnh báo cải cách tư pháp của Romania có thể phá vỡ những nỗ lực đấu tranh chống nạn tham nhũng đang ngày càng phổ biến tại nước này.

Romania gia nhập Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2007 và những năm gây đây đã ghi nhận mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hối thúc Bucharest phải nỗ lực hơn nữa để giải quyết tình trạng tham nhũng ở nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục