Sách đến từ trăm năm - hiển lộ kho tàng vô giá

Thân nhân của nhiều tác giả bày tỏ từ sự ngạc nhiên đến tri ơn đối với các nhà sưu tầm đã lưu giữ được những cuốn sách cổ quý giá. 
Buổi tọa đàm "Thú chơi sách ở Việt Nam" vào sáng ngày 7/3 tại Trung tâm Văn hóa Đông Tây (Hà Nội) là một cơ hội để các nhà sưu tầm sách, thân nhân các tác giả và đông đảo người yêu sách trao đổi nhiều thông tin quý giá.

Có thể nói các ấn bản sách cổ đã để lại kho tàng vô giá, thậm chí gây bất ngờ cho cả những nhà nghiên cứu và thân nhân các tác giả viết sách.

Quá khứ hiển lộ từ những trang sách cũ

Với nhà phê bình Lại Nguyên Ân, sách cũ rất tốt cho những người nghiên cứu, nhờ sách cũ mà người sưu tầm tìm được bản gốc nguyên bản.

Ví như cuốn "Giông tố" (Nhà xuất bản Văn Thanh, 1937) và "Số đỏ" (Nhà xuất bản Lê Cường, 1938) của Vũ Trọng Phụng hay "Vang bóng một thời" do Nhà xuất bản Tân Dân in năm 1940, Nhà xuất bản Thời Đại in năm 1943, Nhà xuất bản Đắc Lộ in năm 1945.

Ngoài ra, cũng nhờ quá trình sưu tầm sách và tìm hiểu, nhà phê bình Lại Nguyên Ân mới hay rằng dịch giả Mộng Huyền (dịch "Vườn hồng," "Tom Sawyer") chính là Ngụy Như Kon Tum (C), em út của nhà khoa học Ngụy Như Kon Tum (A) - trong gia đình có ba anh em đều tên là Ngụy Như Kon Tum.

Bà Nguyễn Tài - con dâu nhà văn Nguyễn Công Hoan - thổ lộ rằng gia đình bà chưa có "Kiếp hồng nhan" bản in lần đầu tiên và mong muốn qua anh Hoàng Minh (diễn đàn sachxua.net) xin bản photo của cuốn đó từ một người sưu tầm sách ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng về vấn đề sách của cha mình, nhạc sĩ Phạm Tuyên (con trai học giả Phạm Quỳnh) giãi bày rằng gia đình ông không giữ được đầy đủ. Nhạc sĩ chỉ được xem qua bản photo giấy khai sinh và thẻ nhà báo của học giả Phạm Quỳnh.

Hiện nay bản thủ bút quý nhất của học giả Phạm Quỳnh mà gia đình còn giữ được là bản dịch chép tay hơn 50 bài thơ Đỗ Phủ, chưa từng xuất bản ở đâu do lưu lạc.

Ông Nguyễn Lân Bình, cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh bày tỏ, chữ ký duy nhất của học giả Nguyễn Văn Vĩnh mà gia đình còn có được là trên chiếc ghế trường kỷ khắc bản dịch một bài thơ của La Fontaine do chính tay ông làm.

Cũng chính vì thế, mỗi gia đình của từng nhà văn, nhà báo, học giả đều bày tỏ từ sự ngạc nhiên đến lòng tri ơn đối với các nhà sưu tầm đã phải hi sinh nhiều điều để lưu giữ được những cuốn sách quý của thế hệ trước.

Sưu tầm sách quý cũng như chơi đồ cổ

Theo anh Hoàng Minh, một trong bốn người khởi sự diễn đàn về sách cổ uy tín nhất hiện nay (sachxua.net), hiện đang sở hữu một bộ sưu tập sách cũ khá đồ sộ và quý giá thì, thú chơi sách bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 20.

Các nhà xuất bản ngày trước khi in tác phẩm ngoài các bản bình thường còn có thêm một số lượng hạn chế bản đặc biệt dành cho người yêu sách. Số lượng bản đặc biệt được in mỹ thuật trên loại giấy quý, rất được săn tìm sau này.

Người sưu tầm rất thích ấn phẩm gốc đặc biệt này, giá trị cuốn sách sẽ còn tăng thêm nhiều lần nếu trên ấn bản có thủ bút và chữ ký của tác giả.

Đa phần người chơi sách tìm kiếm nhiều ấn bản của từng cuốn sách, sau đó dần dần chọn lọc lại. Những ấn bản đẹp nhất, quý nhất đi kèm các “giá trị gia tăng” sẽ được giữ lại trong bộ sưu tập riêng, các ấn bản còn lại thường được đưa trở lại thị trường.

Để có được một bộ sách giá trị, người chơi sách phải trả giá rất nhiều từ tiền bạc đến thời gian, công sức, các thú vui khác, thậm chí cả hạnh phúc gia đình.

Hiện nay ở Việt Nam có nhiều người chơi sách theo nhà xuất bản, theo tác giả hoặc theo niên đại...

Ngoài ra, có người còn sưu tầm một tác phẩm qua nhiều biến thể, như nhà báo Yên Ba có bộ sưu tầm Tam Quốc đồ sộ, cả những cuốn “siêu quý” được in vào năm 1909, còn ông Nguyễn Khắc Bảo sưu tầm nhiều ấn bản Kiều...

Thú sưu tầm sách cũng như chơi đồ cổ, ấy là cần có duyên. Như anh Hoàng Minh, một lần cầm một triệu đồng đi lo việc gia đình, đang đi thì tắc đường phải rẽ vào một ngõ nhỏ. Ngang qua cửa hàng bán sách cũ, theo thói quen, anh dừng xe hỏi với vào bên trong: “Ở đây có bán sách cổ không?”

Ông chủ cửa hàng bảo có, và đưa anh vào trong nhà lôi ra một cái túi đầy bụi. Mở ra, anh choáng váng vì thấy có nhiều sách quý, trong đó có "Bỉ vỏ" (Nguyên Hồng) in năm 1938.

Hoàng Minh mua ngay nhưng số tiền một triệu đồng chưa đủ, anh phải để lại đồ thế chấp và cuối cùng cũng bổ sung được vào bộ sưu tập của mình thêm một số ấn bản giá trị.

Trước đây, anh Hoàng Minh đã có một kinh nghiệm “thương đau”, khi tìm được cuốn sách mình cần trong khi thiếu tiền mua, anh lẳng lặng về nhà lấy thêm tiền, lúc quay lại sách đã bị bán đi trước đó năm phút./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục