Hiểu biết về trầm cảm đã được cải thiện so với trước kia, tuy nhiên, sự kỳ thị vẫn còn phổ biến khiến cho nhiều người trầm cảm không chấp nhận tình trạng của mình, không tìm kiếm sự chăm sóc, hỗ trợ. Người thân của người trầm cảm cũng gặp khó khăn khi chưa đủ kiến thức về trầm cảm nên không thể hỗ trợ.
Đó là lý do Tiến sỹ Trần Kiều Như tổ chức tọa đàm “Đi qua bóng tối - Hành trình tự kiểm soát trầm cảm,” qua đó giới thiệu cuốn sách “Trầm cảm và kỹ năng tự kiểm soát trầm cảm” vào ngày 14/7 tại Hà Nội và 21/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cuốn sách cung cấp những kiến thức về trầm cảm bao gồm định nghĩa về trầm cảm, cách nhìn nhận của một số học thuyết tâm lý chính về trầm cảm, cơ chế sinh lý liên quan đến trầm cảm, đánh giá nhanh dấu hiệu trầm cảm và tóm tắt cách ứng phó với trầm cảm. Cuốn sách cũng cung cấp những thông tin quan trọng về vai trò của thói quen sinh hoạt với trầm cảm, qua đó hướng dẫn các kỹ năng tự kiểm soát trầm cảm.
Đây là kết quả của quá trình tham gia nghiên cứu hỗ trợ tự kiểm soát trầm cảm tại cộng đồng từ năm 2017 cũng như tổng hợp các kiến thức khoa học về trầm cảm trên y văn.
“Dựa trên kiến thức khoa học và kinh nghiệm làm việc trực tiếp với người trầm cảm, tôi đã viết cuốn sách theo phong cách khoa học thưởng thức dễ hiểu, dễ áp dụng với người đọc,” Tiến sỹ Trần Kiều Như chia sẻ.
Nhận xét về cuốn sách, Tiến sỹ Đặng Hoàng Giang, chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội, cho rằng tác phẩm cung cấp những kiến thức cơ bản về nguồn cơn của trầm cảm và các biện pháp kiểm soát có thể áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.
“Với các chủ đề như: Thiết lập thói quen lành mạnh, giao tiếp phi bạo lực hay ứng phó với giận dữ, cuốn sách không chỉ hữu ích cho những người đã trầm cảm và muốn phòng ngừa nó quay lại, hay những người chớm trầm cảm và muốn cải thiện sức đề kháng của mình, mà còn cho tất cả những ai đang gặp stress trong đời sống hiện đại và muốn nâng cao sức khỏe tinh thần của mình để cuộc sống bình an hơn và có chất lượng cao hơn,” ông Giang nhận xét.
Các buổi tọa đàm diễn ra vào lúc 9h ngày 14/7 tại 83 Nguyễn Khang, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội và lúc 9h ngày 21/7 tại Đường Sách Nguyễn Văn Bình, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại sự kiện, Ban tổ chức trưng bày 17 bức tranh của những người đã/đang trải qua trầm cảm và cảm nhận của họ khi nhìn lại hành trình của mình./.
Tiến sỹ Trần Kiều Như tốt nghiệp hệ Cử nhân ngành Dược vào năm 2002, Thạc sỹ chuyên ngành Phát triển Sức khoẻ Quốc tế tại trường đại học Vrije, Hà Lan vào năm 2010, bảo vệ đề tài Tiến sỹ tại Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em và Gia đình, trường Đại học Leiden, Hà Lan năm 2017.
Tiến sỹ Như đã nhận được hỗ trợ từ các chương trình tài trợ uy tín như từ Viện Sức khoẻ Quốc gia Hoa Kỳ, Quỹ Khoa học và Công nghệ Quốc gia để thực hiện các nghiên cứu về ứng dụng công nghệ vào chăm sóc sức khỏe tinh thần tại cộng đồng.
Bà là nhà sáng lập Caring From Distance - tổ chức xã hội cam kết dựa trên khoa học và nguồn lực sẵn có để tạo ra những thay đổi tích cực nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống tinh thần.
Bệnh trầm cảm sau sinh nguy hiểm như thế nào, có điều trị được không?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, trầm cảm sau sinh gây ra những tác động xấu đến sức khỏe của người mẹ và trẻ em, cũng như mối quan hệ của họ với các thành viên trong gia đình.