Sai phạm trong quản lý đất công tại các tổng công ty nhà nước ở TP.HCM

Việc quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có đất công tại các tổng công ty nhà nước ở Thành phố Hồ Chí Minh đã bị buông lỏng trong thời gian dài, để lại hậu quả nghiêm trọng.
Dự án 360 Xa lộ Hà Nội, quận 9 liên quan đến sai phạm chuyển nhượng đất công. (Ảnh: Trần Xuân Tình/ TTXVN)
Dự án 360 Xa lộ Hà Nội, quận 9 liên quan đến sai phạm chuyển nhượng đất công. (Ảnh: Trần Xuân Tình/ TTXVN)

Sau khi ông Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (gọi tắt là Sagri) bị bắt, Bộ Công an đã mở rộng điều tra và khởi tố 2 bị can khác là Vân Trọng Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên và Nguyễn Thị Thúy, nguyên Kế toán trưởng Sagri để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí." 

Rõ ràng, việc quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có đất công tại các tổng công ty nhà nước ở Thành phố Hồ Chí Minh đã bị buông lỏng trong thời gian dài, để lại hậu quả nghiêm trọng. 

Cho doanh nghiệp thuê đất sai quy định

 Sagri là doanh nghiệp thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, có vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2016 là 2.007 tỷ đồng. Theo Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh, Sagri và các đơn vị thành viên đang quản lý, sử dụng 46 mặt bằng nhà đất.

Dưới danh nghĩa hợp tác kinh doanh khai thác mặt bằng, giữ hộ hàng hóa, nhưng thực chất việc Sagri cho thuê lại một phần hoặc toàn bộ diện tích là không đúng đối tượng, mục đích sử dụng đất mà phương án xử lý tổng thể nhà đất của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra.

Tổng diện tích nhà đất do Sagri quản lý nhưng chưa đưa vào sử dụng và khai thác là hơn 4 triệu m2 của 12 khu đất. 

[Nan giải quản lý đất công tại Thành phố Hồ Chí Minh]

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Bò sữa thành phố (gọi tắt là Công ty Bò sữa, thành viên của Sagri) cho 70 hộ dân các xã An Hòa, An Phú, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, mượn hơn 27ha đất trồng cỏ nhưng không có hồ sơ pháp lý đầy đủ liên quan đến việc cho mượn đất, chưa thu hồi được.

Công ty Bò sữa thành phố còn ký 15 hợp đồng khoán đất trồng cỏ với 15 hộ dân tại xã An Phú, huyện Củ Chi, nhưng do quản lý lỏng lẻo đã để các hộ dân sang nhượng cho các hộ khác, với diện tích lên tới 60ha. Công ty đã thu hồi được hơn 42 ha, diện tích còn lại đang khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Củ Chi để xử lý.

Công ty Bò sữa thành phố đã liên kết với Công ty Cổ phần Phong Lan xuất khẩu Thành phố Hồ Chí Minh và giao cho công ty này 5 ha đất tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi

Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Phong Lan xuất khẩu Thành phố Hồ Chí Minh không thực hiện nghĩa vụ tài chính và tự ý giao phần đất trên cho Công ty Cổ phần Thương mại Nông lâm nghiệp Bình Minh 2 khi chưa được sự đồng ý của Công ty Bò sữa thành phố.

Sagri đã đem 466ha đất tại xã Phạm Văn Cội để liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư sản xuất và Phát triển nông nghiệp VINECO làm dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Củ Chi.

Theo Thanh tra thành phố, việc VINECO và Sagri ký hợp đồng nguyên tắc hợp tác đầu tư dự án nói trên sau khi thành lập pháp nhân thực hiện dự án là không đúng quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố, khi công nhận quyền sử dụng đất cho Sagri là “không được cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất dưới bất kỳ hình thức nào.”

Tương tự, khu đất 20ha tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Bò sữa đã được Sagri và Công ty Bò sữa thành phố đưa đi hợp tác làm dự án trồng chuối xuất khẩu với Công ty Cổ phần Zakka Food khi chưa có chủ trương của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.  

Đáng chú ý, Sagri và Công ty Bò sữa thành phố đã đem 650ha tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Bò sữa để hợp tác đầu tư dự án Khu sản xuất Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Thủy.

Để thực hiện dự án này, Sagri đã ký hợp đồng hợp tác số 90/HĐNT/2016 với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Thủy thành lập pháp nhân mới là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp Trung Thủy Sagri, tỷ lệ góp vốn như sau: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp Trung Thủy Sagri góp 104,96 tỷ đồng vốn điều lệ, Sagri góp 59,04 tỷ đồng.

Phía Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp Trung Thủy Sagri cho Sagri vay 59,04 tỷ đồng không lãi suất trong 3 năm kể từ ngày thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp Trung Thủy Sagri.

Theo Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh, việc làm này là chưa đúng với quyết định công nhận quyền sử dụng đất mà Ủy ban Nhân dân thành phố đã cấp cho Công ty Bò sữa “là không được cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất dưới bất kỳ hình thức nào.”

Sai phạm trong quản lý đất công tại các tổng công ty nhà nước ở TP.HCM ảnh 1Trụ sở SAGRI, nơi xảy ra những sai phạm trong việc cho thuê đất công sai quy định. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Nhập nhằng giá chuyển nhượng đất công  

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (gọi tắt là SAWACO) là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2017, SAWACO cổ phần hóa, vốn điều lệ hơn 5.139 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh là quản lý, phát triển hệ thống cấp nước và khai thác, sản xuất cung ứng kinh doanh nước sạch cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ khai thác về nước.

Về quản lý, sử dụng nhà đất thuê của Nhà nước, theo Thanh tra thành phố, hiện nay SAWACO đang quản lý, sử dụng 233 nhà đất, trong đó có 10 nhà đất nộp tiền thuê đất hàng năm, 166 nhà đất được Ủy ban Nhân dân thành phố có quyết định miễn tiền thuê đất trước năm 2014, 54 nhà đất chưa có quyết định miễn thuê đất và 3 nhà đất ngoài thành phố tọa lạc tại Đồng Nai, Bình Dương.

Qua kiểm tra, Thanh tra thành phố phát hiện 29/233 nhà đất do SAWACO quản lý, sử dụng có sai phạm; trong đó 8 trường hợp sử dụng chưa đúng đối tượng, 2 trường hợp sử dụng chưa đúng mục đích, quản lý không chặt chẽ dẫn tới bị lấn chiếm, 2 trường hợp sử dụng nhà đất chưa hiệu quả và 1 trường hợp sử dụng để hợp tác kinh doanh...

Đáng chú ý là việc xác định giá trị quyền sử dụng đất tại 360 Xa lộ Hà Nội, Quận 9 trong quá trình cổ phần hóa.

Cụ thể, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công trình giao thông công chánh là thành viên của SAWACO được giao quản lý sử dụng khu đất 360 Xa lộ Hà Nội, Quận 9, với diện tích gần 18.337 m2, mục đích sử dụng là đất ở khu dân cư.

Theo Thanh tra thành phố, năm 2006, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản số 8978/UBND-ĐT về duyệt giá bán chỉ định mặt bằng này với tổng giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất là 57,62 tỷ đồng, cùng với 2,6 tỷ đồng tiền giá trị gia tăng công trình trên đất thành 60,2 tỷ đồng.

Như vậy, trừ đi 4.159m2 thuộc phạm vi lộ giới, khu đất 360 Xa lộ Hà Nội còn lại là 14.178 m2 và được bán chỉ định với giá 60,2 tỷ đồng, trung bình mỗi m2 đất có giá 4,24 triệu đồng tại mặt tiền Xa lộ Hà Nội, trục hướng tâm phía Đông quan trọng bậc nhất của Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều này khiến dư luận băn khoăn, tại sao trong quá trình cổ phần hóa, Ủy ban Nhân dân thành phố lại bán chỉ định mà không phải là đấu giá và lại bán chỉ định với giá rẻ mạt?

Sau đó, Công ty Cổ phần Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam xác định giá trị quyền sử dụng khu đất 360 Xa lộ Hà Nội tại Chứng thư ngày 5/11/2014 với tổng giá trị là 107 tỷ đồng, quy ra đơn giá quyền sử dụng đất được xác định là 5,846 triệu đồng/m2.

Mức định giá này căn cứ vào giá bán căn hộ bình quân là 15 triệu đồng/m2, giá bán đất nền bình quân là 16 triệu đồng/m2 của khu vực dự án.

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc thẩm định giá này của Công ty Cổ phần Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam là không phù hợp với Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Tài chính xem xét việc định giá quyền sử dụng đất tại 360 Xa lộ Hà Nội, kiểm tra mục đích, động cơ, tính hợp pháp của việc chuyển nhượng dự án, có biện pháp ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư chiến lược với các công ty sau khi được cổ phần hóa. 

Về quy trình chuyển nhượng, năm 2015, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công trình giao thông công chánh chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Công trình giao thông công chánh.

Đến tháng 2/2016, Công ty Cổ phần Công trình giao thông công chánh ký hợp đồng số 08/HĐHTKD chuyển nhượng quyền thực hiện dự án gắn liền với chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại địa chỉ 360 Xa lộ Hà Nội (có tên thương mại là Metro Star) với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngôi Nhà Thân Yêu (thuộc Tập đoàn CT Group), giá trị chuyển nhượng toàn bộ dự án là 192,2 tỷ đồng.

Thế nhưng đến tháng 10/2016, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mới ban hành quyết định chấp thuận cho chuyển nhượng toàn bộ dự án. Như vậy, Công ty Cổ phần Công trình giao thông công chánh đã “cầm đèn chạy trước ô tô”.

Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh chỉ rõ, việc Công ty Cổ phần Công trình giao thông công chánh ký hợp đồng số 08/HĐHTKD với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngôi Nhà Thân Yêu trước khi Ủy ban Nhân dân thành phố có quyết định chấp thuận cho chuyển nhượng.

Sau đó, tháng 11/2016 Công ty Cổ phần Công trình giao thông công chánh ký hợp đồng số 250/HĐHTKD thay thế cho Hợp đồng 08/HĐHTKD là để hợp thức hóa trình thực thủ tục chuyển nhượng dự án.

Trong khi đó, bản thân SAWACO không báo cáo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trước khi Công ty Cổ phần giao thông công chánh chuyển nhượng dự án 360 Xa lộ Hà Nội.

Về tiến độ thực hiện dự án, hiện nay dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh quy hoạch phân khu khu vực phường Phước Long A, Quận 9, bao gồm cả khu vực dự án 360 Xa lộ Hà Nội.

Do đó, chủ đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, thiết kế dự án cho phù hợp. Theo nhân viên sàn giao dịch dự án Metro Star của CT Group, hiện nay dự án đang xin giấy phép xây dựng, mặc dù chưa mở bán nhưng giá bán được đưa ra từ 30-40 triệu đồng/m2 tùy diện tích căn hộ. Trên thực tế đã có công ty đứng ra thu hộ tiền “đăng ký tìm hiểu thông tin căn hộ dự án Metro Star Quận 9”.

Như vậy, từ khi hoàn tất việc chuyển nhượng cho đến nay, dự án chưa được triển khai nhưng giá bán căn hộ đã từ 16 triệu đồng/m2, như tính toán của cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình định giá cổ phần hóa và chuyển nhượng dự án “nhảy vọt lên” gấp 2 lần.

Vậy giá trị bán chỉ định, giá trị của đơn vị thẩm định giá và giá trị chuyển nhượng dự án có thực sự phù hợp với giá trị thực của khu đất, làm thất thoát tài sản Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa hay không?./.  

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục