Sàn giao dịch giúp kết nối tốt cung-cầu lao động

Thông qua sàn giao dịch việc làm; thông tin cung-cầu lao động trên thị trường lao động thường xuyên được cập nhật có hệ thống.
Ngày 9/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Liên minh châu Âu (EU) tổ chức Hội nghị đánh giá hiệu quả sàn giao dịch việc làm, hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm giai đoạn 2006-2010 và công tác dự báo nhu cầu nhân lực.

Trong ngày đầu làm việc, đại diện các doanh nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm, cơ sở đào tạo, cơ quan nghiên cứu đã tập trung thảo luận, đánh giá về hiệu quả sàn giao dịch việc làm và hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm giai đoạn 2006-2010.

Sàn giao dịch việc làm được chuyển từ hình thức hội chợ việc làm hàng năm (giai đoạn 2000-2006) và từ đầu năm 2007 đến nay trở thành một hoạt động định kỳ, thường xuyên tại các trung tâm giới thiệu việc làm, gắn trực tiếp với chức năng của Trung tâm, là cầu nối giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Tính đến nay, cả nước đã có 44 sàn giao dịch việc làm làm việc với tần suất 1 phiên/tháng. Nhiều trung tâm tổ chức sàn giao dịch việc làm với tần suất 2 phiên/tháng (Đà Nẵng), 3 phiên/tháng (Hà Nội), 1 phiên chính/tháng cộng với hoạt động hàng ngày (Bắc Ninh)…

Sàn giao dịch việc làm đã trở thành thương hiệu của nhiều trung tâm giới thiệu việc làm, là địa chỉ quen thuộc của nhà tuyển dụng và người lao động. Thông qua sàn giao dịch việc làm; thông tin cung-cầu lao động trên thị trường lao động thường xuyên được cập nhật có hệ thống, độ tin cậy cao, hiệu quả kết nối cung cầu lao động tăng lên một cách rõ rệt.

Đến nay, các quy định của pháp luật về hoạt động dịch vụ việc làm ngày một hoàn thiện; đã hình thành một hệ thống các trung tâm giới thiệu việc làm và nhận được sự quan tâm, đầu tư ngày càng nhiều của các ngành, các cấp; vai trò của các trung tâm được phát huy, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra; đã có sự phối hợp hoạt động giữa các Trung tâm ở các vùng, miền khác nhau.

Tuy nhiên do những nguyên nhân chủ quan và khách quan về cơ sở hạ tầng, cán bộ, mức đầu tư nên các sàn giao dịch việc làm vẫn chưa chuyên nghiệp, tính kết nối trong hệ thống chưa chặt chẽ, tần suất chưa cao và phạm vi hoạt động chưa sâu rộng, thông tin phục vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm còn thiếu cả về quy mô và chủng loại, đặc biệt là thông tin về tuyển dụng lao động theo ngành, nghề, trình độ lao động cho những năm tới.

Thông qua hình thức sàn giao dịch và các hoạt động việc làm khác, các Trung tâm đã thực hiện ngày càng làm tốt hơn chức năng giới thiệu việc làm và cung ứng lao động. Theo thống kê của Cục việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tỷ lệ lao động tìm việc qua trung tâm là 14%; tỷ lệ người sử dụng lao động tuyển lao động qua Trung tâm là 16,4%. Giai đoạn 2006-2010 tăng từ 3-5% so với năm 2005 về trước.

Trung bình mỗi năm, các trung tâm giới thiệu và cung ứng khoảng 400.000 lao động, tăng 5-7% so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn nên số lao động được đào tạo nghề và được trung tâm giới thiệu việc làm mới chiếm tỷ lệ 30%. Cơ sở vật chất hạn chế nên mới chỉ dừng lại ở việc đào tạo nghề phổ thông…

Các đại biểu dự Hội nghị đã nhất trí nhận định giải quyết tốt việc làm cho người lao động là một trong những mục tiêu chính của chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam , đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới. Thực hiện tốt kết nối cung-cầu lao động, tạo việc làm cho người lao động không chỉ góp phần thực hiện tiến bộ xã hội mà còn có ý nghĩa quyết định đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Hội nghị đã thống nhất với định hướng phát triển sàn giao dịch việc làm để kết nối cung-cầu lao động; chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ; đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động và công tác tuyên truyền cho lĩnh vực này.

Mục tiêu phát triển hệ thống trung tâm và sàn giao dịch việc làm đến năm 2010 được đề ra là: Quy hoạch và phát triển theo tiêu chuẩn dịch vụ việc làm công thế giới (WAPES); nâng tỷ lệ người tìm việc làm qua trung tâm lên 30% vào năm 2015 và 40% vào năm 2020; hình thành 63 sàn giao dịch việc làm, nâng số người tìm được việc làm qua sàn lên 50-60% trong tổng số người có việc làm vào năm 2020; hình thành mạng trực tuyến kết nối giữa cổng thông tin điện tử việc làm quốc gia với 63 website trên toàn quốc.

Để đạt được mục tiêu này, hội nghị cũng nhất trí với các giải pháp cho thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động dịch vụ việc làm; quy hoạch triệt để hệ thống trung tâm; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị hoạt động; xây dựng chương trình đào tạo nhằm chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thu hút người sử dụng lao động và lao động đến với trung tâm.

Ngày 10/9, Hội nghị tiếp tục làm việc về công tác dự báo thị trường lao động./.

Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục