Sân khấu: Chinh phục khán giả với đề tài lịch sử

Hiệu quả của việc đưa vào những cách dàn dựng mới trong các vở diễn khai thác đề tài lịch sử đã góp phần kéo được công chúng đến rạp.

Thời gian qua, việc các đơn vị nghệ thuật ở Hà Nội liên tiếp dàn dựng các vở diễn sân khấu tái hiện chân dung, đưa lại những góc nhìn mới, toàn diện về một số nhân vật lịch sử như Chu Văn An (vở cải lương “Thất trảm sớ”), Nguyễn Tri Phương (vở tuồng “Nguyễn Tri Phương”), Hai Bà Trưng (vở chèo “Vương nữ Mê Linh")… đã cho thấy sức hút của đề tài lịch sử với khán giả hiện nay.

“Hướng đi thời khủng hoảng”

“Đặt trong bối cảnh có không ít vở diễn dù được phát vé mời nhưng lượng khán giả cũng chỉ vài chục người nhưng công chúng vẫn bỏ tiền mua vé, ngồi chật kín rạp mỗi đêm diễn những tác phẩm có nhiều thể nghiệm mới ấy cho thấy một tín hiệu đáng mừng: khán giả sẽ không quay lưng với sân khấu truyền thống nếu những nghệ sỹ biết tìm ra những hướng đi mới trong việc khai thác đề tài truyền thống để tiếp cận khán giả,” nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ-Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu bày tỏ.

“Vương nữ Mê Linh” thể hiện việc cách tân thông qua việc kết hợp với giữa những làn điệu cải lương và tuồng. Cùng với đó, sự đầu tư về trang phục, vũ đạo nhằm tạo điểm nhấn cho vở diễn (theo lời nghệ sỹ ưu tú Thúy Mùi-Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội) đã “tạo ra sự mở rộng về không gian, thời gian; mang đến cho người xem một trải nghiệm mới, khác biệt so với những vở chèo truyền thống,” giáo sư Hoàng Chương- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam chia sẻ.

Bên cạnh đó, những nỗ lực của nghệ sỹ trong việc làm mới cải lương bằng cách đưa nghệ thuật điện ảnh vào những vở diễn thuộc thể loại này cũng đã mang đến cho người xem những cảm xúc mới. “Kết quả là, khán giả đến rạp đông hơn và không còn bỏ về giữa vở diễn nhiều như trước,” ông Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội cho biết.

“Những đoạn video được trình chiếu đan xen để người xem không bị hẫng, cảm thấy gián đoạn giữa các đoạn chuyển cảnh. Không chỉ có vậy, sự hỗ trợ của kỹ thuật điện ảnh giúp lấp đầy những khoảng trống trên sàn diễn, làm cho việc chuyển cảnh được linh hoạt và không gian sân khấu như được mở rộng hơn,” đạo diễn-nghệ sỹ ưu tú Quang Hùng cho biết.

Tuy nhiên, không phải không có những ý kiến cho rằng, những thử nghiệm mới làm mất đi chất nghệ thuật truyền thống trong những vở diễn.

Sân khấu: Chinh phục khán giả với đề tài lịch sử ảnh 1Một cảnh trong vở "Vương nữ Mê Linh" (Ảnh: Nhà hát Chèo Hà Nội)

Nhìn nhận vấn đề này, NSND Lê Tiến Thọ thẳng thắn: “Chúng ta cần trân trọng những sáng tạo của các nghệ sỹ. Những vở diễn mang tính chất thử nghiệm thì đương nhiên sẽ có những lời khen, chê.

Bên cạnh những khiếm khuyết (như việc cần sử dụng nhiều đạo cụ khác nhau thay vì chỉ dùng quạt trong các điệu múa ở ‘Vương nữ Mê Linh’ để tô đậm chất chèo truyền thống…) thì hiệu quả của việc mạnh dạn đưa vào những cách dàn dựng mới trong các vở diễn khai thác đề tài lịch sử đã làm hài lòng khán giả và kéo được công chúng đến rạp."

Cần làn gió mới cho câu chuyện cũ 

Là người từng trực tiếp dàn dựng nhiều vở diễn sân khấu về đề tài lịch sử, đạo diễn-nghệ sỹ ưu tú Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ: “Lịch sử Việt Nam với chiều dài hàng nghìn năm luôn là một kho báu để các ngành nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng khai thác.

Tuy không phải dày công nghĩ ra những câu chuyện và tuyến nhân vật xung quanh nhưng để có được một vở diễn hay về đề tài này lại không phải là điều dễ dàng.”

[Kịch bản sân khấu: Khoảng trống sau Lưu Quang Vũ]

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, nữ đạo diễn cho rằng, xuất phát từ cùng một chất liệu đó, người nghệ sỹ phải có những góc nhìn, cách cảm và lối tiếp cận riêng để kịch bản của mình không bị lặp lại khi cùng khắc họa một nhân vật hay tái hiện một thời kỳ lịch sử.

“Đơn cử như với trường hợp nhân vật Trần Thủ Độ, có khoảng chục vở diễn khai thác về nhân vật này thuộc đủ các loại hình như kịch nói, tuồng, cải lương…” nghệ sỹ ưu tú Quỳnh Mai đưa ra ví dụ.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều quan ngại về việc làm sao để hài hòa giữa sáng tạo nghệ thuật và tôn trọng lịch sử? Trao đổi về vấn đề này, nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ phân tích: "Lịch sử của mỗi dân tộc thường được ghi chép lại từ những niên đại khác nhau, do các nhà sử học của mỗi thời đại biên soạn. Thực tế, có khá nhiều trường hợp, do điều kiện và quan điểm lịch sử khác nhau nên có những bộ sử tể hiện những quan điểm đối lập về cùng một sự kiện, nhân vật."

Hơn nữa, theo ông Thọ, ở các bộ sử, các sử gia thường  phải tập trung vào các sự kiện, lý tưởng đạo đức và không thể khắc họa được cụ thể bộ mặt tâm lý, tính cách, ngoại hình nhân vật lịch sử. Bởi vậy, nghệ sỹ khi dựng những vở diễn về các vấn đề lịch sử phải dùng trí tưởng tượng của mình để phục hồi, tái hiện lại đời sống của nhân vật lịch sử theo phương châm tương thích với lịch sử.

“Khai thác đề tài lịch sử vẫn luôn là một trong những hướng đi quan trọng mà Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam khuyến khích các đơn vị nghệ thuật, nghệ sỹ. Dàn dựng những vở diễn về nhóm đề tài này không chỉ là việc dựng lại những câu chuyện cũ, mà vấn đề quan trọng là phải gắn chúng với những bài học lịch sử cho thế hệ ngày nay.

Ví dụ, ở ‘Vương nữ Mê Linh,’ đó là bài học về hào khí dân tộc, truyền thống yêu nước của cha ông, giúp người xem hình dung về văn hóa Việt Nam những năm đầu công nguyên qua việc bài trí sân khấu với những họa tiết chủ đạo là các hoa văn trên trống đồng Đông Sơn, trang phục các nhân vật thời đó... nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục