Sản lượng công nghiệp của khu vực Eurozone tăng

Sản lượng công nghiệp của Eurozone tăng cao hơn mong đợi, cho thấy khu vực này vẫn đang tiếp tục xu hướng phục hồi khỏi cuộc khủng.
Sản lượng công nghiệp của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng Tám đã tăng cao hơn mong đợi và đây là dấu hiệu cho thấy khu vực này vẫn đang tiếp tục xu hướng phục hồi khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua.

Theo số liệu do Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố ngày 14/10, sản xuất công nghiệp ở Eurozone trong tháng Tám tăng 1% so với tháng Bảy, cao hơn mức dự báo tăng 0,8% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra.

Mức tăng mạnh trong tháng Tám phần nào làm dịu nỗi lo của các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu sau khi sản lượng công nghiệp đã giảm trong tháng trước đó, làm dấy lên lo ngại về sự phục hồi ổn định của nền kinh tế của khu vực gồm 18 quốc gia thành viên này.

Thông tin đáng khích lệ nhất đến từ Bồ Đào Nha và Hy Lạp - hai nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ "cơn bão" nợ công vừa qua. Bồ Đào Nha có mức tăng sản lượng công nghiệp lên tới 8,2%, trong khi sản lượng công nghiệp của Hy Lạp tăng 1%.

Sản lượng công nghiệp của hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức và Pháp tăng lần lượt là 1,8% và 0,2%. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp của Italy giảm 0,3% - tháng giảm thứ hai liên tiếp. Hiện Đức, Pháp và Italy chiếm tới 2/3 sản lượng công nghiệp của cả khu vực Eurozone.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với các số liệu thống kê vừa công bố, Eurozone đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng và dự báo sẽ có mức tăng trưởng khiêm tốn trong dài hạn. Khu vực này đã thoát khỏi cuộc suy thoái kéo dài 18 tháng sau khi đạt nhịp độ tăng trưởng 0,3% trong quý II/2013. Tuy nhiên, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao kỷ lục 12% như hiện nay, các nhà hoạch định chính sách vẫn lo ngại về tính bền vững của quá trình phục hồi của nền kinh tế Eurozone.

Hồi đầu tháng này, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đã lên tiếng cảnh báo rằng sự phục hồi kinh tế ở Eurozone vẫn còn "yếu, mong manh và không đồng đều."

Ông Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng của Markit, cũng chia sẻ nhận định này khi cho rằng các con số vừa được công bố là rất đáng khích lệ, nhưng vẫn còn nhiều lo ngại về "sức khỏe" của nền kinh tế Eurozone.

Ông Williamson cho biết mặc dù sản lượng công nghiệp của khu vực đã tăng trong tháng Tám, nhưng sản lượng hiện nay vẫn thấp hơn khoảng 12,5% so với mức đỉnh đạt được trước cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu./.

Huy Hiệp (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục