Sản phẩm khoa học phải mang tính ứng dụng cao

Phó Thủ tướng cho rằng các nhà khoa học cần chú ý xem sản phẩm nghiên cứu của mình làm ra có tác dụng như thế nào đến cuộc sống.
Ngày 17/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn công tác Chính phủ đã có cuộc làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội về tình hình hoạt động khoa học và công nghệ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trực tiếp tới thăm một số đơn vị tiêu biểu về nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội là Phòng thí nghiệm thuộc Khoa Hóa, Trung tâm nghiên cứu Công nghệ môi trường và Phát triển bền vững, T rường Đại học Khoa học Tự nhiên; Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển; Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học.

Thời gian qua các đơn vị này đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học triển khai thành công trong thực tế, nhiều bài báo nghiên cứu khoa học được đăng trên các ấn phẩm quốc tế lớn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những thành quả mà các đơn vị đạt được trong thời gian qua, đồng thời hy vọng trong những năm tới, đây sẽ là những địa chỉ tin cậy cho các đối tác trong và ngoài nước tìm đến để đặt hàng sản phẩm khoa học công nghệ.

Phó Thủ tướng cũng đã nghe các giảng viên, nhà nghiên cứu chia sẻ kinh nghiệm cũng như đề xuất các kiến nghị để nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu khoa học trong thời gian tới từ đó có những định hướng cơ chế, chính sách phát triển khoa học công nghệ nước nhà.

Tại buổi làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Thủ tướng đã lắng nghe và đề nghị các trường thành viên cũng như Ban Giám đốc Đại học Quốc gia đề xuất các giải pháp để thúc đẩy phát triển Khoa học Công nghệ hiệu quả hơn trong 5 năm tới. Trên thực tế, những năm gần đây kinh tế tăng trưởng liên tiếp, trong đó 28% của phát triển kinh tế do phát triển khoa học công nghệ và đổi mới chính sách.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng để giải quyết những khó khăn, hạn chế còn tồn tại, các nhà khoa học cần chú ý xem sản phẩm nghiên cứu của mình làm ra có tác dụng như thế nào đến cuộc sống, thực hiện tốt cơ chế đặt hàng từ các doanh nghiệp, các đơn vị, các bộ, ngành. Có như vậy mới đưa nghiên cứu khoa học công nghệ có tác dụng thực tế, tăng thêm tính bền vững của sản phẩm.

Những khó khăn mà Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như các trường thành viên đang gặp phải đó là mức độ đầu tư về cơ sở vật chất và nhân lực khoa học công nghệ còn hạn chế, cơ chế tổ chức và quản lý các hoạt động khoa học công nghệ còn nhiều bất cập; chưa có những giải pháp đồng bộ để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nghiên cứu cơ bản với ứng dụng khoa học trong thực tế và chuyển giao công nghệ, chưa tìm ra phương thức gắn kết có hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ với thị trường.

Lãnh đạo nhà trường đã nêu ra một số kiến nghị như thể chế hóa các chủ trương của Đảng về Đại học Quốc gia Hà Nội bằng các văn bản có hiệu lực pháp lý cao, khẳng định địa vị pháp lý Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị sự nghiệp thuộc chính phủ như các viện Khoa học công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; ưu tiên đầu tư đặc biệt để phát triển có trọng điểm cho các ngành khoa học cơ bản mũi nhọn, đầu tư cho hoạt động đào tạo chất lượng cao, nghiên cứu đỉnh cao, bồi dưỡng nhân tài; tiếp tục đổi mới toàn diện về quản lý hoạt động khoa học công nghệ; có chính sách đặc biệt đối với việc phát triển đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ.

Phó Thủ tướng đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội thời gian tới phối hợp với các đơn vị tiên phong đặt hàng các công trình nghiên cứu liên ngành; công trình phát triển khoa học xã hội nhân văn, xác định tiêu chí sản phẩm quốc gia về khoa học xã hội nhân văn; Bộ dữ liệu theo chuẩn quốc tế về các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, các vùng biên giới; xây dựng đề án hệ thống kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục cả nước; triển khai mạnh chuyển giao tri thức, chuyển giao sản phẩm công nghệ thông qua tổ chức chuyên nghiệp; tiếp tục triển khai hoạt động khoa học công nghệ theo chất lượng, số lượng, tính ứng dụng của sản phẩm đầu ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục